Án lệ được hiểu là những bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên ra trước đây để giải quyết những sự việc cụ thể trên thực tế. Những phán quyết của bản án này sau đó được ghi nhận trong các tập san án lệ, các báo cáo tổng hợp án lệ… đó chính là một căn cứ quan trọng để đưa ra các phán quyết, bản án đó trở thành khuôn mẫu, trở thành cơ sở để Tòa án sử dụng trong xét xử nhằm đưa ra phán quyết trong những vụ việc có tình tiết, vấn đề tương tự sau đó. Để một bản án, quyết định của Tòa án trở thành án lệ thì phải có tính khuôn mẫu, có khả năng áp dụng lại sau này để làm cơ sở cho việc xét xử đối với những trường hợp chưa có pháp luật điều chỉnh hoặc có, nhưng không phù hợp với thực tiễn.

Trên thế giới, Án lệ có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu, đặc biệt là với những nước áp dụng các hệ thống pháp luật phổ biến trên thế giới như hệ thống thông luật (Common Law), hệ thống lục địa (Civil Law)… Đối với hệ thống pháp luật Civil Law, án lệ có một lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời.Được khởi nguồn từ việc Hoàng đế Severus cai trị La Mã từ năm 193 đến năm 211 cho phép các thẩm phán bổ sung những lỗ hổng của luật thành văn bằng tập quán và thực tiễn xét xử của các vụ việc tương tự.

Mặc dù lịch sử áp dụng án lệ đã từng có nhiều thăng trầm, nhưng đối với hệ thống Civil Law hiện nay vẫn là một nguồn cực kỳ quan trọng trong áp dụng pháp luật tại các quốc gia này. Có thể lấy dẫn chứng pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức, một quốc gia đại diện cho hệ thống pháp luật Civil Law.

leftcenterrightdel
Trên thế giới, Án lệ có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu. Ảnh minh họa 

Trong Bộ luật Dân sự Đức năm 1900, các quy định về hợp đồng, bồi thường thiệt hại v.v.. đã được hỗ trợ bởi hàng loạt những án lệ, ví dụ như các quy định tại Điều 181 BLDS Đức 1900. Thậm chí tại Đức, việc tuân thủ án lệ không chỉ là trách nhiệm của Tòa án mà còn thuộc về các luật sư, bởi giá trị áp dụng của nó là rất rộng rãi, nếu không chú ý đến các án lệ của các toà án cấp cao, thì luật sư có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng vì tư vấn không đúng.

Đối với hệ thống pháp luật Common Law, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ thống pháp luật Anh, một trong những điểm cơ bản của các nước theo Hệ thống này là án lệ được coi là một trong những nguồn luật áp dụng bắt buộc, ít nhất là tại tòa án. Tại Hoa Kỳ, nền pháp luật theo hệ thống Common Law thì các tòa án cấp dưới của liên bang và các tòa án của bang có nghĩa vụ tuân thủ các quyết định trước đây của tòa án tối cao liên bang nhưng các phán quyết của tòa án cấp dưới về những vấn đề mang tính liên bang không có tính ràng buộc đối với các bang khác nhưng vẫn được xem xét và cân nhắc rất cẩn thận.

Còn tại Việt Nam, Đảng và nhà nước ta cũng đã có những định hướng từ rất lâu, “Không phải bây giờ chúng ta mới biết đến án lệ mà từ thời nhà Nguyễn đã có. Đến năm 1921, khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, án lệ cũng theo chân họ vào và xuất hiện tại các phiên xử của tòa án Việt Nam. Đến năm 1965, án lệ không được dùng nữa. Cho đến những năm 2000 thì TAND Tối cao bắt đầu nghiên cứu về án lệ” - ông Ngô Cường (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao) nói.

Đến giai đoạn gần đây, khi đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong hội nhập quốc tê thì vấn đề Án lệ mới được chú trọng và dần phát triển. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có việc phát triển án lệ.

Ttheo đó “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm”. Khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Đây là một quy định hoàn toàn mới trong lịch sử lập hiến Việt Nam, hàm chứa trong đó một định hướng quan trọng của hoạt động tư pháp mà phương thức thực hiện yêu cầu đó là phát triển án lệ. Như kinh nghiệm lịch sử trên thế giới đã cho thấy, sử dụng án lệ là bước đi thích ứng với vai trò ngày càng tăng của tòa án, của quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền.

Ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chất chuẩn mực của Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Đặc biệt,  Điều 8 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP quy định rõ ràng về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử “1. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.”như vậy, một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Án lệ đối với pháp luật Việt Nam, và bước đi lớn cho sự phát triển của pháp luật Việt Nam trên trường Quốc tế. 

leftcenterrightdel
Buổi họp báo công bố Nghị quyết của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ 

Như vậy, cùng với sự định hướng đúng đắn của Đảng và nhà nước ta, đó là những thách thức lớn đặt ra đối với các cơ quan nghiên cứu và thi hành pháp luật. Ưu điểm của Án lệ đó chính là nó đề cập đến những vụ việc đã xảy ra trên thực tế nên nó thường phong phú, đa dạng hơn pháp luật thành văn. Án lệ góp phần bổ sung thiếu sót, lấp đi những lỗ hổng của pháp luật thành văn, mặt khác với sự trợ giúp của Án lệ, các vụ việc sẽ giải quyết được nhanh chóng, tiết kiệm thòi gian và chi phí. Qua đó tạo sự thống nhất trong xét xử của các Tòa án.

Tuy nhiên, nhược điểm của Án lệ đó là sự nghiêm ngặt, không phát huy được sự tư duy sáng tạo của các Thẩm phán khi xét xử, bởi họ phải tuân thủ nghiêm ngặt Án lệ đã có. Mặt khác, đối với nước ta kinh nghiệm thực tiễn việc áp dụng Án lệ chưa nhiều, dễ dẫn đến áp dụng thiếu logic, áp dụng tùy tiện, bởi vì khối lượng Án lệ sẽ ngày càng nhiều và phức tạp, dễ chồng chéo.

Do vậy để phát huy được ưu điểm, hạn chế nhược điểm trên, từng bước đưa Án lệ trở thành nguồn của pháp luật Việt Nam chúng ta cần:

Trước hết, phải luôn quán triệt và thực hiện đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, từ đó đưa ra kế hoạch phát triển Án lệ theo các giai đoạn cụ thể. Xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, ngắn gọn, dễ hiểu. Không nên có quá nhiều văn bản dưới luật cồng kềnh. Xây dựng và thực hiện đúng nguyên tắc của một nền tư pháp độc lập. Có như vậy mới tạo nền móng vững chắc, định hướng đúng con đường phát triển của Án lệ.

Một yêu cầu đặt ra cũng hết sức đặc biệt quan trọng là chúng ta phải xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Luật sư và những người tiến hành tố tụng có trình độ lý luận cao, khả năng tư duy pháp lý cao và độc lập. Đồng thời cũng cần phải nâng cao hiểu biết Pháp luật cho người dân để áp dụng và thực hiện thống nhất.

leftcenterrightdel
 Phiên tòa xét xử Vũ Nhôm và đồng phạm.

Đối với Việt Nam ta, tiêu chí đặt ra để Án lệ được áp dụng đó là:

          1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể;

          2. Có tính chuẩn mực;

          3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể đề xuất các lựa chọn của bản án có hiệu lực pháp và quyết định cho Toà án nhân dân tối cao để phát triển thành tiền lệ của tòa án. Những tiền lệ của tòa án sẽ được xem xét trên cơ sở định kỳ sáu tháng, và sẽ được công bố khi đã lựa chọn.

Tóm lại, dù Án lệ chưa chính thức trở thành nguồn Luật chính của Pháp luật Việt Nam, nhưng qua các thời kỳ phát triển của đất nước, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với nền Pháp luật nước ta, Án lệ đang ngày càng phát huy được ưu thế. Tuy nhiên, để Án lệ thực sự hiệu quả và tránh những hạn chế mà nó có thể mang lại thì những cán bộ trong khối tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các quốc gia và từng bước đưa Án lệ áp dụng vào điều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam. 

Đại úy Lò Khắc Quỳnh
KSV VKSQS Khu vực 23 - Quân khu 2