Tuy nhiên, cái cảm giác bỡ ngỡ, cả cái giá buốt của những ngày Đông trong chúng tôi như tan biến đi sau cái bắt tay chắc nịch và nụ cười hào sảng của Đại tá Nguyễn Văn Kỷ - Viện trưởng VKS quân sự Quân khu 4 (đóng ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Không rào trước đón sau, Viện trưởng Nguyễn Văn Kỷ “vào đề” một cách tự nhiên: “Đồng chí Phó Viện trưởng đã báo cáo tôi rồi, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật là người nhà cả mà, mình vừa uống trà vừa nói chuyện nhé”.

Trước khi đến, chúng tôi đã biết VKS quân sự Quân khu 4 là một trong những đơn vị xuất sắc trong khối VKS quân sự, nhiều năm liền được Viện trưởng VKSND tối cao, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng Cờ thi đua, Viện trưởng VKS quân sự Trung ương và lãnh đạo Cục Chính trị tặng Bằng khen, cùng nhiều cá nhân của đơn vị được cấp trên khen thưởng… Nhưng khi nghe Viện trưởng Nguyễn Văn Kỷ tâm sự chuyện nghề của những Kiểm sát viên mang màu áo lính, mới thấy được để đạt được những thành tích đó, là sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của không chỉ những người làm công tác tư pháp trong quân đội nhân dân, mà còn là bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát quân sự Quân khu 4 họp xét án sử dụng phương pháp sơ đồ hóa.

Trước hết về địa bàn, VKS quân sự Quân khu 4 “trấn giữ” 6 tỉnh có thể nói là “chảo lửa, túi mưa”, thiên tai lũ lụt khắc nghiệt nhất miền Trung, từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên - Huế. Biên chế chỉ có 43 cán bộ, Kiểm sát viên, với 3 đơn vị VKS khu vực (41, 42, 43), mỗi khu vực như thế gồm 2 tỉnh.

“Ví dụ, nếu có vụ án xảy ra ở Mường Lát (Thanh Hóa), hoặc ở Kỳ Sơn (Nghệ An) thì Cơ quan điều tra họ vào rất xa, nên sự phối hợp với Cơ quan điều tra có sự khó khăn. Trong lúc Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cứng về thời hạn, mình phải làm đúng luật trong thời hạn này, có khi 3 ngày, nhưng có khi chỉ trong 24 giờ... Mà như Phóng viên biết đấy, đối với đơn vị VKSND, thì quãng đường di chuyển trong địa bàn huyện xa lắm cũng vài trăm km, nhưng với đơn vị VKS quân sự chúng tôi, có khi lên đến cả nghìn km, nên chuyện đi xuyên ngày, xuyên đêm là rất bình thường” - Đại tá Nguyễn Văn Kỷ tiếp tục.

Và để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong những năm qua, kịp thời kiểm sát xử lý tin báo tố giác tội phạm, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, kịp thời phát hiện các vi phạm trong hoạt động tư pháp để kiến nghị, kháng nghị... VKS quân sự Quân khu 4 đã bám chắc địa bàn, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài quân đội, nhất là giữa VKS quân sự và VKSND các địa phương. Đặc biệt, từ sau khi VKSND tối cao, VKS quân sự Trung ương có văn bản hướng dẫn về sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong và ngoài quân đội, VKS quân sự Quân khu 4 đã có sự phối hợp rất chắc, rất hiệu quả với các đơn vị Công an ở các địa phương - là tiền đề để kịp thời nắm bắt tin báo, kiểm sát xử lý tin báo tố giác, đồng thời phục vụ hiệu quả cho quá trình kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử sau này đối với các vụ việc xảy ra trong lực lượng quân đội.

Ngoài ra, điểm nổi bật của VKS quân sự Quân khu 4 trong những năm gần đây, đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quân. Điều này, cũng đã được Bộ Tư lệnh quân khu đánh giá cao, biểu dương hàng năm. Chính điểm nổi bật, hiệu quả này của VKSND quân sự Quân khu 4, đã góp phần làm giảm vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật trong quân đội trên địa bàn.

“Chúng tôi có cách làm nổi bật riêng của mình, với nhiều hình thức tuyên truyền. Từ việc trực tiếp xuống cơ sở làm việc, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, nắm bắt thực tiễn địa bàn, nghiên cứu nguyên nhân xảy ra vi phạm, kỷ luật… Sau đó về xây dựng đề cương tuyên truyền, xây dựng thành đề tài khoa học, thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá để áp dụng, rồi triển khai các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đơn vị, từ trung đoàn, trung đội đến tiểu đội” - Đại tá Nguyễn Văn Kỷ cho biết.

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát quân sự Quân khu 4 tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Sư đoàn 968.

Cũng từ đây, VKS quân sự Quân khu 4 đã đề xuất nhiều giải pháp cho Thường vụ Bộ Tư lệnh quân khu để áp dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật quân đội.

Một điểm nổi bật nữa không thể không nhắc đến, đó là VKS quân sự Quân khu 4 rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ. Ấn tượng nhất trong chúng tôi, không phải con số 100% có trình độ đại học, gần 50% cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị có bằng thạc sĩ, 9/34 đồng chí có bằng cao cấp lý luận chính trị, mà ấn tượng với cách người đứng đầu đơn vị “kiểm đếm”, đọc vanh vách tên từng cán bộ, chiến sĩ với học hàm, học vị đầy đủ. Phải quân tâm lắm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, người Viện trưởng mới có thể nhớ hết được trình độ của từng người, mà không phải ngập ngừng nhớ lại khi liệt kê với Phóng viên.

Và người Viện trưởng mang quân hàm Đại tá này cũng không giấu những hạn chế của đơn vị, khi cho biết đơn vị vẫn có những cán bộ trẻ mới vào ngành, vào nghề, còn có những hạn chế về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng thêm. Rồi thì phương tiện, kinh phí còn hạn hẹp…

“Những hạn chế đó, thời gian tới chúng tôi sẽ khắc phục, để đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên VKS quân sự Quân khu 4 không những “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, mà còn cùng nhau đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trên tất cả các lĩnh vực” - Viện trưởng Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh.

Cái khó khăn, gian khổ nhất không phải là thời tiết, bởi chúng tôi đã quá quen với thiên tai, lũ lụt rồi, mà cái chính là địa bàn trải rộng, xa, mà các đơn vị quân đội cơ bản đóng quân ở rừng sâu, núi thẳm. Trong lúc các cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền kiểm sát của đơn vị, cơ bản đóng ở Hà Nội. Nên thực sự khó khăn, gian khổ trong công tác” - Đại tá Nguyễn Văn Kỷ.


Bùi Tiến