leftcenterrightdel
Nữ Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan và đồng nghiệp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử trong phiên toà xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. Ảnh: P.V 

Tính đến thời điểm hiện tại, đại án Phạm Công Danh và đồng phạm đã kết thúc giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của vụ án này sẽ được TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, các vụ án liên quan được tách ra ở đại án này cũng vẫn đang được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và xét xử đúng thẩm quyền. Đây là vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo và VKSND tối cao ủy quyền cho VKSND TP. Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Giữ vị trí “ghế nóng” tại phiên toà sơ thẩm của đại án Phạm Công Danh và đồng phạm, bên cạnh Kiểm sát viên Trần Ngọc Quang (Trưởng phòng, Phòng 3, VKSND TP. Hồ Chí Minh) là nữ Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan (Phó trưởng phòng, Phòng 3). Với những kết quả đạt được của vụ án ở giai đoạn 1 như: không bỏ lọt tội phạm, đột phá về thu hồi tài sản…, có sự đóng góp không nhỏ của “cặp đôi” Kiểm sát viên này.

Để hiểu rõ hơn về những cố gắng, nỗ lực và kết quả đạt được trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, Phóng viên báo BVPL đã có cuộc trò chuyện với nữ Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan:

Phối hợp cao giữa các thành viên trong tổ án

- Chào nữ Kiểm sát viên sinh năm 1974. Nhiều người nói vui, chị sinh năm Giáp Dần, cầm tinh con hổ nên là “khắc tinh” của tội phạm liên quan đến tiền tệ, chị nghĩ sao về nhận xét này?

- (cười)… Tôi cảm thấy khá thú vị với nhận định này của các đồng nghiệp. Có lẽ “duyên phận” của tôi đã được sắp đặt từ trong bụng mẹ, khi tôi đầu quân vào trường Luật một cách rất tình cờ và trở thành cử nhân Luật thì định hướng nghề của tôi càng rõ rệt. Cũng lại là một cơ duyên rất tình cờ, tôi về công tác tại VKSND TP. Hồ Chí Minh. Kể từ đó đến nay, tôi dành toàn bộ tâm huyết với công việc và hoạch định hướng phấn đấu cho bản thân mình.

- Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm là một vụ án lớn. Khi được phân công phụ trách, chị có cảm thấy quá sức đối với mình?

- Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND TP. Hồ Chí Minh, ngay từ khi được phân công, tôi và Kiểm sát viên đồng nghiệp đã tập trung nghiên cứu vụ án một cách toàn diện. Với vốn kiến thức cùng những kinh nghiệm có được trong quá trình công tác và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện các cấp, bản thân tôi và các đồng nghiệp nhận thức rất rõ đây là vụ án lớn, phức tạp, kết quả xét xử ảnh hưởng đến tình hình chính trị, an ninh trật tự, thị trường tiền tệ… nên đã nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ.

Tôi và các đồng nghiệp đã hệ thống, sắp xếp các bị can, nhóm hành vi phạm tội theo tội danh để thuận lợi trong việc nghiên cứu, đồng thời báo cáo lãnh đạo Viện phân công cụ thể công việc để thực hiện, nhằm đảm bảo sự phối hợp giữa Kiểm sát viên chính giữ quyền công tố, kiểm sát xét xử tại toà với tổ nghiên cứu, giúp việc gồm 2 đồng chí. Qua đó, trong tổ án luôn có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ nhau khi thực hiện nhiệm vụ.

Tổ án đã tập trung tuyệt đối cho việc nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị xét xử. Bản thân tôi và các đồng nghiệp đã thận trọng nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết có liên quan đến vụ án để xây dựng đề cương xét hỏi chi tiết, phân công cụ thể, rõ ràng việc xét hỏi tại phiên toà. Các Kiểm sát viên thay nhau thực hiện việc xét hỏi, bổ sung cho nhau và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh tại toà.

Giỏi nghiệp vụ, bản lĩnh kiểm sát vững vàng

- Trong quá trình xét xử vụ đại án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 và 2 (đã tiến hành xét xử nhưng Toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung và theo lịch được tiếp tục xét xử vào ngày 24/7/2018), trong phần xét hỏi tại các phiên toà đã thể hiện rất rõ bản lĩnh của những người giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử. Vậy kinh nghiệm mà chị rút ra trong quá trình xét hỏi tại toà là gì?

- Với phần chuẩn bị tốt của tổ án, phần xét hỏi của đại diện VKS tại phiên toà đầy đủ, đúng trọng tâm, làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo các bị cáo được trình bày rõ về hành vi phạm tội, nguyên nhân, động cơ, mục đích… Một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội sẽ phải được xét hỏi kỹ, cho đối chất tại phiên toà nhằm củng cố chứng cứ khi luận tội. Các đối tượng liên quan đều được xét hỏi đầy đủ, làm rõ hành vi nhằm xác định vai trò liên quan trong vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Qua đó, tại phiên toà đã xác định được một số đối tượng liên quan có hành vi phạm tội nhưng chưa được xử lý để kịp thời báo cáo đề xuất hướng giải quyết. Quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên đã bám sát diễn biến phiên toà, ghi chép đầy đủ phần xét hỏi của Hội đồng xét xử cũng như phần xét hỏi của các luật sư để kịp thời bổ sung, làm rõ các vấn đề mới phát sinh, còn có mâu thuẫn và để bổ sung cho phần luận tội...

leftcenterrightdel
Phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. Ảnh: P.V 

Nhìn lại giai đoạn 1 của vụ án với 36 bị cáo, 45 Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, phiên toà sơ thẩm kết thúc sau 53 ngày, kể từ ngày khai mạc phiên toà. Ở giai đoạn 1 của vụ án, phần luận tội của đại diện VKS tại phiên toà đầy đủ nội dung, lập luận có căn cứ, chắc chắn, thuyết phục. Phần luận tội không chỉ tập trung buộc tội các bị cáo mà còn đề cập đến tất cả các vấn đề của vụ án, trong đó chú trọng đến việc thu hồi tài sản thiệt hại là 6.800 tỷ đồng, kiến nghị khởi tố vụ án tại tòa để điều tra đối với một số cá nhân có dấu hiệu phạm tội để xử lý theo quy định. Mức án đề nghị đối với các bị cáo đã có sự phân hóa, xem xét vai trò, tính chất, hành vi phạm tội của từng bị cáo để vừa đảm bảo sự nghiêm minh, đồng thời vẫn đảm bảo tính nhân đạo và đúng căn cứ pháp luật.

Trong phần tranh luận giữa đại diện VKS với hàng chục luật sư tại phiên toà đã đảm bảo văn hóa tranh tụng, thể hiện được tính dân chủ, thẳng thắn, việc tranh luận không hạn chế về mặt thời gian nhằm làm sáng tỏ nội dung, bản chất vụ án, hành vi phạm tội của các bị cáo và các vấn đề liên quan khác. Xác định đây là vụ án quan trọng có số tài sản cần thu hồi rất lớn nên trong quá trình xét xử, đại diện VKS đã chủ động thẩm vấn, làm rõ nguồn gốc, đường đi của tài sản bị thiệt hại, từ đó đề ra các kiến nghị để thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Theo đó, đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh đã bảo vệ thành công quan điểm truy tố cũng như phần kiến nghị thu hồi tài sản, được HĐXX chấp nhận và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.

Nhận xét về Kiểm sát viên Nguyễn Quỳnh Lan, Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng, TP. Hồ Chí Minh đã tuyên dương: Đồng chí Lan “luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống gương mẫu của người đảng viên, cán bộ ngành Kiểm sát. Luôn có ý thức học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thể hiện trong công việc luôn công tâm, bảo vệ pháp luật, bảo vệ lẽ phải, kiên quyết đấu tranh với tội phạm. Sống giản dị, khiêm tốn, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Thẳng thắn, khách quan, trung thực trong tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng; tôn trọng các ý kiến đóng góp để rút kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực. Trong thực hiện nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc khoa học, có kế hoạch. Có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ khi giải quyết hồ sơ, thực hiện kiểm sát điều tra ngay từ đầu, đề xuất phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn đều có căn cứ….

Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đại án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1, Phó trưởng phòng Phòng 3 - VKSND TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Quỳnh Lan đã được nhận Bằng khen đột xuất của Thủ tướng Chính phủ. Chị cũng vinh dự được VKSND tối cao chọn là Điển hình tiên tiến tham gia đoàn đại biểu của VKSND tối cao dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 2018.

Hoa Việt