Cả nước hiện có 313 công chứng viên, 214 đấu giá viên
Theo Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, trong cả nước có 313 công chứng viên đang hành nghề tại các Phòng công chứng; 214 đấu giá viên đang hành nghề tại các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với chức danh hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực công chứng, hiện nay cả nước có 14 viên chức đang làm việc tại Trung tâm thông tin tư vấn công chứng thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh và 10 viên chức làm việc tại Trung tâm thông tin dữ liệu trợ giúp pháp lý thuộc Cục trợ giúp pháp lý.
Đối với chức danh hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý, hiện nay cả nước có 1.656 viên chức, trong đó có 273 viên chức làm việc tại 107 Phòng công chứng; 190 viên chức làm việc tại 55 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và 1.232 viên chức làm việc tại 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý.
Mặc dù đã có quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ tại các văn bản quy phạm pháp luật đối với từng lĩnh vực nhưng các chức danh nghề nghiệp nêu trên chưa được phân loại hoặc xếp hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mình đảm nhiệm mà đang bị “đánh đồng” về tiêu chuẩn và các chế độ, chính sách.
Do đó, việc quy hoạch, tuyển dụng, quản lý, sử dụng và bồi dưỡng đang theo một mặt bằng chung, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý đối với từng lĩnh vực và chưa động viên, khuyến khích được các viên chức nêu trên cống hiến cho sự phát triển chung của ngành, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với những viên chức giỏi, có nhiều kinh nghiệm.
|
|
Kiểm sát viên kiểm sát hoạt động đấu giá tài sản thi hành án tại một Công ty đấu giá. (Ảnh minh hoạ) |
Từ lý do trên, việc xác định mã số, tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ là cần thiết nhằm phù hợp với quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đội ngũ viên chức này.
Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của chức danh nghề nghiệp đấu giá viên
Theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng Thông tư nhằm xác định mã số đối với từng hạng của mỗi chức danh, đảm bảo không trùng mã số với các chức danh khác. Đồng thời, quy định rõ các tiêu chuẩn đối với viên chức là công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ.
Nội dung quy định phải rõ ràng, phù hợp với từng chức danh cụ thể, đồng thời bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện chung của viên chức ngành Tư pháp.
Về bố cục, dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 22 điều. Dự thảo Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn đối với chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ nghiệp vụ và hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý.
Đối tượng áp dụng gồm 4 nhóm: Viên chức là công chứng viên làm việc tại Phòng công chứng; viên chức là đấu giá viên làm việc tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; viên chức hỗ trợ pháp lý làm việc tại Trung tâm thông tin tư vấn công chứng thuộc Sở Tư pháp và Trung tâm thông tin dữ liệu trợ giúp pháp lý thuộc Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; viên chức hỗ trợ nghiệp vụ làm việc tại Phòng công chứng, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp.
Về mã số chức danh nghề nghiệp, dự thảo Thông tư quy định: Công chứng viên hạng III - Mã số: V02.02.01; Đấu giá viên hạng III - Mã số: V02.03.01; Hỗ trợ pháp lý hạng II - Mã số: V02.04.01; Hỗ trợ pháp lý hạng III - Mã số: V02.04.02; Hỗ trợ nghiệp vụ hạng II - Mã số: V02.05.01; Hỗ trợ nghiệp vụ hạng III - Mã số: V02.05.02.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của chức danh nghề nghiệp đấu giá viên. Cụ thể là thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức ngành Tư pháp; đồng thời, thực hiện theo các quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.
Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp đấu giá viên, theo dự thảo Thông tư, đấu giá viên phải nắm vững và có năng lực vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đấu giá tài sản.
Có kiến thức, hiểu biết về hệ thống pháp luật và chuyên sâu liên quan đến tài sản đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá.
Thực hiện thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ đấu giá tài sản; trực tiếp điều hành cuộc đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ về đấu giá.
Nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống thuộc lĩnh vực đấu giá.
Đồng thời, có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ đấu giá.