Gần đây, mỗi lần tôi đến thăm con, vợ cũ tỏ vẻ thân mật hơn với tôi, chủ động hơn về tình cảm. Một vài lần cô ấy giữ tôi ở lại ăn tối.

 

Sống hạnh phúc bên nhau được 8 năm, có với nhau 2 mặt con nhưng do bất đồng về nhiều thứ nên hai vợ chồng tôi đã ly hôn. Cô ấy nhất định đòi nuôi cả 2 cháu. Nghĩ con cái còn nhỏ nên sẽ tốt hơn khi ở cùng mẹ, tôi chấp thuận ý nguyện của vợ cũ. Việc thăm nom các cháu tôi vẫn duy trì đều đặn.

 

Gần đây, mỗi lần tôi đến thăm con, vợ cũ tỏ vẻ thân mật hơn với tôi, chủ động hơn về tình cảm. Một vài lần cô ấy giữ tôi ở lại ăn tối. Hôm trước, tự nhiên cô ấy gọi điện bảo tôi đến thăm con vì con bị sốt. Dù muộn, tôi vẫn gác công việc lại và nói với vợ mới là đến thăm cháu xem ốm đau thế nào. Khoảng gần 22g đêm, tôi mới có mặt tại nhà vợ cũ. Cô ấy đón tôi ngay từ cổng rồi đưa tôi vào nhà. Vừa ngồi vào bàn khách, cô ấy ngồi cạnh và bảo tôi nói nhỏ, con vừa mới chợp mắt.

 

Tôi sốt ruột hỏi tình hình con ra sao, cô ấy cứ ậm ừ. Tôi không thể nấn ná thêm được nên đứng dậy, đi vào phòng ngủ thăm con, cô ấy cũng đi theo sau. Khi chúng tôi vừa bước vào phòng, cô ấy bất ngờ đóng cửa lại. Không thấy con đâu, tôi quay sang hỏi thì cô ấy mỉm cười: “Chúng đi chơi với bà ngoại ba ngày rồi, em muốn anh đến nên nói con ốm thôi!”. Rồi đột nhiên ôm choàng lấy tôi và nói gì đó nhưng vì bất ngờ nên tôi không nghe được câu nào cả. Sau khi định thần lại, tôi vội đẩy ra và bảo cô ấy mở cửa để tôi về.

 

Vợ mới của tôi không hài lòng khi tôi về quá trễ nhưng vẫn hỏi han tình hình ốm đau của con rất ân cần. Khi tôi kể hết sự thật cho vợ nghe, cô ấy bảo: “Anh nên nghĩ kỹ và cần có thái độ rõ ràng. Nếu anh còn tình cảm với chị ấy, em sẽ tạo điều kiện để trả anh về cho chị ấy!”.

 

Tôi phải làm sao đây?

đã có vợ
Ảnh minh họa.

 
    Đồng Tâm (tỉnh Hà Nam)


Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - giám đốc Cty tư vấn tâm lý An Việt Sơn (số 6, ngõ 85 Vọng Hà, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Đt: 1900.6850) trả lời:


Anh Đồng Tâm thân mến!

Khi vợ chồng đã cạn tình thì nhiều người coi nhau như kẻ thù, dùng con làm công cụ để công kích nhau, đưa vào đầu con những cái xấu nhất của “đối phương” mà nhiều khi lại không phải là sự thật, làm những đứa trẻ trở thành nạn nhân của cả hai người, chúng bị sang chấn tâm lý dẫn đến trầm cảm, trở thành con người “tàn tật” về tâm lý, không biết đâu là ảo, đâu là thật, luôn luôn hoài nghi. Anh đã không mắc phải lỗi lầm đó.

 

Có thế lý giải cách ứng xử của người vợ cũ với anh là sau khi ly hôn, tình cảm mới chưa đến, vợ cũ của anh trở nên cô đơn, hẫng hụt, lại nhìn thấy cung cách ứng xử đầy tính nhân văn của anh với các con, vì thế tình cũ trỗi dậy trong lòng chị ấy. Sự nuối tiếc của người cũ là điều dễ hiểu. Anh đừng nên trách cứ ai, không vì sự phản ứng của vợ cũ, vợ mới mà lơ là với các cháu.

 

Cái mà anh cần làm hiện nay là phân định rạch ròi mối quan tâm của anh chỉ dừng lại ở việc chăm lo, nuôi dạy các con để tránh cho vợ cũ hiểu nhầm về khả năng nối lại của 2 người; đồng thời nói rõ cho vợ mới hiểu được tình cảm của anh hiện chỉ dành cho chị ấy để chị ấy đồng tình với việc chăm sóc con của anh. Khi anh đã nói được tất cả điều này, chắc hẳn vợ mới của anh sẽ yên lòng bởi ngoài tình yêu của anh dành cho chị, chị còn có cơ sở để tin tưởng vào tình cảm của anh dành cho những đứa con chung của hai người trong tương lai.

 

Chúc anh hạnh phúc!