Nguyễn Thị Vân (Giao Thủy, Nam Định) hỏi: Con trai tôi năm nay 16 tuổi. Cháu nghe bạn bè xấu rủ rê nên bị nghiện ma tuý từ nhiều năm nay. Dù rất đau lòng nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn động viên cháu cố gắng cai nghiện và luôn giấu kín chuyện này. Tuy nhiên, đến nay việc tự cai nghiện của cháu gặp nhiều khó khăn và không thành công. Tôi muốn hỏi, ở địa phương có tổ chức để giúp đỡ việc tự cai nghiện ma túy ở gia đình hay không? Nếu có thì chúng tôi cần làm thủ tục, giấy tờ gì? Mong Nhịp cầu bạn đọc giúp đỡ.

 


Chị Vân thân mến!

Hiện nay, Nhà nước khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện (trừ trường hợp người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện) thì được áp dụng hình thức cai nghiện tại gia đình hoặc tại cộng đồng. Hình thức cai nghiện này được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ mười hai tuổi trở lên.

Người nghiện ma túy hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy chưa thành niên có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Hồ sơ đăng ký gồm:

a) Đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình của bản thân hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy. Đơn phải bao gồm các nội dung: tình trạng nghiện ma túy, các hình thức cai nghiện ma túy đã tham gia, tình trạng sức khỏe, cam kết tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình;

b) Bản sơ yếu lý lịch của người nghiện ma túy;

c) Kế hoạch cai nghiện cá nhân của người nghiện ma túy.

UBND cấp xã sẽ thành lập Tổ công tác để giúp Chủ tịch Ủy ban tiếp nhận hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình. Người cai nghiện ma túy tại gia đình sẽ được bác sĩ điều trị cắt cơn khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án, xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị cho việc điều trị cắt cơn. Căn cứ vào bệnh án, các kết quả xét nghiệm, cán bộ điều trị phân loại người cai nghiện theo loại ma túy sử dụng, tình trạng sức khỏe để xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng người.

Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm tham gia, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức hoạt động cai nghiện, thực hiện kế hoạch cai nghiện, quản lý, giám sát, giúp đỡ người cai nghiện thực hiện kế hoạch cai nghiện cá nhân như giám sát thực hiện thời gian biểu hàng ngày; hướng dẫn người nghiện ma túy tham gia học nghề, lao động sản xuất, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương tổ chức; quản lý việc chấp hành các chế độ về cư trú, đi lại, thông tin, báo cáo …

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ, động viên của gia đình, Nhịp cầu bạn đọc mong rằng con chị sẽ cai nghiện thành công.
 

N.C.B.Đ

.