(BVPL) - Xã hội hoá là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua. Trong đó nghề công chứng được chú trọng, là một điều tất yếu và sớm được xã hội hóa, đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, khiến tổ chức công chứng không còn mang tính chất hành chính đơn thuần mà trở thành một dịch vụ công, ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành tại một số địa phương vẩn còn tồn tại những bất cập, dẫn đến một số quyết định đã “cãi nhau” với Luật công chứng…
Từ khi xã hội hóa hoạt động công chứng và được Bộ Tư Pháp triển khai và áp dụng rộng rãi trong cả nước, đã khiến cho tổ chức công chứng từ chỗ là một nghề mang thủ tục hành chính công, đơn thuần. Chứng nhận giao dịch, hợp đồng không còn là nhiệm vụ, quyền hạn “độc tôn” của cơ quan hành chính nhà nước. Sự thay đổi rõ rệt nhất là các văn phòng công chứng được mở ra chuyên nghiệp hơn trong cung cách phục vụ, thái độ của nhân viên niềm nở và tận tụy hơn... Mọi thắc mắc của người dân được Công chứng viên của Tổ chức Công chứng hướng dẫn tận tình chu đáo, có điều gì không hiểu hoặc gặp rắc rối với hồ sơ đều được giải thích cặn kẽ.
Anh Trần Văn Minh (một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Từ khi có các văn phòng công chứng, tôi không phải đi lại nhiều lần hay chờ lâu như trước nữa. Mọi nhu cầu về công chứng giấy tờ hay làm bất cứ dịch vụ công chứng nào cũng được đáp ứng nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo an toàn về mặt pháp lý…”.
Xã hội hóa công chứng, đã góp phần giải quyết nạn "cò mồi" tại các phòng công chứng nhà nước trước đây. Đồng thời góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách của các địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động; tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Thế nhưng bên cạnh những thành quả đã đạt được, trong quá trình vận hành, nhiều địa phương đã gặp phải khó khăn trong triển khai. Địa phương do chưa nắm rõ luật Công chứng hay vì một lý do nào đó đã ban hành quyết định không đồng nhất với Luật Công chứng do Quốc Hội ban hành năm 2014, có hiệu lực từ 01/01/2015, cụ thể:
Ngày 05/10/2015, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4931/QĐ quy định về tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng năm 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
|
Quyết định số 4931/QĐ quy định về tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng năm 2015 của UBND TP Hồ Chí Minh |
Tại khoản 5 Điều 15 của Quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 4931/QĐ ngày 05/10/2015 của UBND thành phố Hồ Chí Minh có quy định: "Công chứng viên thôi làm Trưởng văn phòng công chứng (đối với văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) và công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng (đối với văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh) trong thời gian từ 5 năm tính đến ngày nộp hồ sơ.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực từ
01/1/2015 lại nêu rõ: “công chứng viên đã chuyển nhượng văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng".
Như vậy, có thể thấy Quyết định số 4931/QĐ ngày 05/10/2015 của UBND thành phố Hồ Chí Minh không áp dụng đúng quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Công chứng năm 2014.
Căn cứ Điều 94 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy định: “Tổ chức, chỉ đạo việc quản lý hộ tịch; thực hiện công tác công chứng, giám định tư pháp, quản lý tổ chức Luật sư và tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật;
Căn cứ Điều 94 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Ủy ban cấp tỉnh, thành phố có nhiệm vụ quyền hạn tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện công tác công chứng…Nhưng việc chỉ đạo quản lý, thực hiện công tác công chứng không được trái với Luật Công chứng.
Không biết căn cứ vào quy định pháp luật tại đâu mà Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành tại Khoản 5 Điều 15 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 4931/QĐ ngày 05/10/2015 trái với Luật Công chứng?
Tại khoản 1 Điều 29 Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ: “công chứng viên đã chuyển nhượng văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng” hoàn toàn khác với Công chứng viên thôi làm trưởng văn phòng,
Việc cấm Công chứng viên thôi làm trưởng văn phòng không thành lập văn phòng mới trong thời hạn 5 năm là trái với quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Công chứng năm 2014, đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí xét duyệt hồ sơ, thiếu sự tính chính xác, khách quan, công bằng, ảnh hưởng lớn tới sự cạnh tranh giữa các Văn phòng công chứng. Thậm chí sẽ gây làn sóng phản hồi tiêu cực từ dư luận, gây khó khăn cho quá trình xã hội hóa công chứng của nước ta trong giai đoạn này.
Xã hội hóa công chứng rất cần một lộ trình rõ ràng, minh bạch, khách quan và chính xác … để vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm trong quá trình vận hành nhằm từng bước chuyển đổi Phòng công chứng Nhà nước sang mô hình Văn phòng công chứng.
Chúng tôi thiết nghĩ những người có thẩm quyền ban hành các Quyết định cần nghiên cứu kỹ Luật công chứng và nhanh chóng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế quản lý của cơ quan nhà nước đối với các văn bản quyết định công chứng trái luật nhằm hạn chế tối đa những khiếm khuyết có thể xảy ra, tránh tình trạng ban hành những quyết định trái ngược, sai, vênh với Luật công chứng hiện hành.
Quỳnh My – Minh Châu