Do hoàn cảnh gia đình nên cháu phải tự lập từ rất sớm và qua mấy năm tích lũy, đến giờ cháu cũng đã có được một khoản tiền. Cháu dự định mua một mảnh đất nhỏ nhưng năm nay cháu mới 17 tuổi thì có đủ điều kiện để được mua đất và đứng tên trên sổ đỏ hay không?


Nguyễn Mai Nga (Giao Thủy, Nam Định)


Cháu Nga thân mến!

Việc cháu còn băn khoăn, liệu mình có được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hay không, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Đây là vấn đề năng lực hành vi dân sự của cá nhân, tức là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng để đảm bảo các nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, khi cháu 17 tuổi thì cháu có quyền tự mình thực hiện giao dịch dân sự  mà không cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên đối với trường hợp như cháu hỏi là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (theo quy định của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn hiện hành thì thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản và có công chứng) thì ngoài việc tuân thủ quy định chung, cháu còn phải đáp ứng điều kiện quy định của Luật Công chứng.

Tại khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng quy định: “Người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự, xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó”.

Đối chiếu với quy định trên thì khi cháu 17 tuổi tức là cháu chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì khi làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cháu cần phải có sự đồng ý của người đại diện. Người đại diện theo pháp luật của cháu là cha, mẹ.

Vì trong thư cháu không nói rõ hoàn cảnh gia đình của mình nên theo quy định của pháp luật, trường hợp không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ hoặc cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha mẹ có yêu cầu thì người đại diện của cháu là người giám hộ.

Người giám hộ gồm người giám hộ cử và người giám hộ đương nhiên (cụ thể: trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ; trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cô, cậu, dì là người giám hộ).

Sau khi làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cháu nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cháu.

Chúc cháu sớm toại nguyện!
 

Nhịp cầu bạn đọc