Chúng tôi tham gia chơi hụi ở địa phương đã nhiều năm rồi vì chủ hụi là chỗ quen biết, có uy tín và cũng là người có điều kiện kinh tế khá giả. Nhưng vừa rồi, chủ hụi đã cầm toàn bộ số tiền thu được từ hụi viên bỏ trốn khỏi địa phương. Chúng tôi đã tìm mọi cách để liên lạc nhưng không được. Hiện nay, các hụi viên chúng tôi đều lo lắng không chỉ vì số tiền chơi hụi có nguy cơ mất trắng mà còn vì không biết việc chơi hụi của chúng tôi có vi phạm pháp luật không? Trong trường hợp thu giữ được tài sản từ chủ hụi thì tài sản này sẽ được xử lý như thế nào?


Nguyễn Thị T.(Nam Đàn, Nghệ An)


Chị T. thân mến!

Từ nhiều năm nay, bên cạnh hệ thống tín dụng của Nhà nước, hình thức hụi (họ) trong đời sống bà con ta vẫn mặc nhiên tồn tại, diễn ra khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn.

Trước kia, hoạt động chơi hụi không được pháp luật thừa nhận, nhưng kể từ ngày 01/01/2006, ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực thi hành thì hoạt động chơi hụi được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:

1. Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Ngày 17/11/2006, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về “họ, hụi, biêu, phường”. Nghị định quy định về hình thức họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ), quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia họ. Điều 2 của Nghị định này cũng quy định về chính sách Nhà nước về họ đó là:

“1. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.

2. Nghiêm cấm việc tổ chức họ để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác”.

Như vậy, hoạt động chơi họ không vi phạm pháp luật nếu nằm trong khuôn khổ pháp luật. Việc lợi dụng hình thức chơi họ để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo,… sẽ là vi phạm pháp luật.

Trường hợp của chị, nếu việc chơi họ nhằm mục đích tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, không vi phạm những điều cấm của pháp luật, các thành viên tham gia sẽ được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp, người cầm tiền đã cầm toàn bộ số tiền của những người tham gia bỏ trốn, ngoài trách nhiệm pháp lý mà người đó phải gánh chịu trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đối với những thành viên tham gia họ, thì những tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh họ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nếu số tài sản thu được không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh họ theo tỷ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở họ; phần không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia.
 

Nhịp cầu bạn đọc