Do nghi ngờ vợ ngoại tình nên tôi đã bí mật theo dõi cô ấy và phát hiện vợ tôi thỉnh thoảng có lén lút qua lại với anh T. Thật sự tôi bị sốc và rất đau khổ vì người vợ mà bao nhiêu năm tôi tin tưởng đã phản bội lại mình. Nhưng vì nghĩ đến hai đứa con gái còn nhỏ tuổi, không muốn các cháu bị thiệt thòi, hơn nữa tôi cũng thường xuyên công tác xa nhà, có thể vợ tôi trong lúc yếu lòng đã phạm sai lầm nên tôi đã bỏ qua tất cả và cho cô ấy cơ hội làm lại. Vợ tôi rất hối hận và cô ấy cũng đã viết bản cam đoan sẽ chấm dứt quan hệ với anh T. và không bao giờ ngoại tình với bất cứ ai nữa. Nhưng tôi rất bức xúc với anh T. Tôi băn khoăn không biết anh T. có vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình hay không, muốn anh T. bị xử lý theo pháp luật thì tôi phải làm gì?
 

Trần Văn N.(Kiến Xương, Thái Bình)
 

 

Anh N. thân mến!

Nhịp cầu bạn đọc cảm nhận được nỗi đau của anh khi tận mắt chứng kiến người vợ nhiều năm “đầu gối tay ấp” của mình “lạc lối đi về”. Chúng tôi cũng rất nể phục anh vì cách cư xử bao dung, độ lượng với lỗi lầm của vợ, anh đã không để xảy ra chuyện đánh ghen hay hành hạ vợ theo kiểu bạo lực mà một số người đàn ông khác đã làm. Giờ đây anh đang băn khoăn không biết anh T. có vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình hay không?

Tại Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

“…Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Cấm ngược đãi, hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị em và các thành viên khác trong gia đình.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”.

Như vậy, hiện nay, pháp luật chỉ nghiêm cấm các trường hợp người đã có vợ, có chồng sống chung như vợ chồng với người khác. Căn cứ vào khoản 3.1 mục 3 Thông tư số 01/2001/TTLT-BTP-BCA- TANDTC-VKSNDTC  quy định: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”

Như vậy, vợ anh và anh T. có quan hệ bất chính nhưng không chung sống như vợ chồng (được hiểu theo nghĩa ăn chung, ở chung, có con chung, có tài sản chung) thì mới chỉ là vi phạm đạo đức, bị xã hội lên án.


 Nhịp cầu bạn đọc