Sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, liên thông
Kế hoạch ban hành nhằm mục đích tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, liên thông, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân đến liên hệ công tác và phục vụ tốt Nhân dân; phân cấp, phân quyền hợp lý, không dồn việc lên cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Yêu cầu đặt ra là việc triển khai thực hiện phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, bám sát định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và của Ngành, tiến hành khách quan, minh bạch, dân chủ, khoa học, có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể; đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, xác định rõ những bất cập, nguyên nhân.
Chủ động đề xuất xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; khắc phục khó khăn, bất cập trong giai đoạn chuyển tiếp, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn, lĩnh vực,... gây ảnh hưởng đến các hoạt động của đơn vị và người dân.
Chú trọng công tác tuyên truyền, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngành.
Tạo điều kiện phục vụ Nhân dân; giải quyết chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức và người lao động sau tinh giản
Về nội dung và lộ trình thực hiện, trong công tác tổ chức cán bộ: Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu xây dựng văn bản để triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế của VKSND sau khi Đề án “Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND theo định hướng không tổ chức cấp huyện” được thông qua.
Trong đó, quán triệt, triển khai cụ thể các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Ngành; tham mưu triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, cán bộ, hoạt động của VKSND tại địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các công việc phải chuẩn bị, lộ trình, cách thức thực hiện, thời gian hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế; trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu VKSND các cấp; khung tiêu chí và thang điểm đánh giá đối với công chức, viên chức để quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu các đơn vị sau khi hợp nhất, sáp nhập; việc phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất phương án bố trí địa điểm đặt trụ sở VKSND bảo đảm nguyên tắc và yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện phục vụ Nhân dân; giải quyết chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức và người lao động sau tinh giản...
    |
 |
Quang cảnh Hội nghị công bố, trao quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ do VKSND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ) |
Thanh tra VKSND tối cao chủ trì, hướng dẫn VKSND các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện việc triển khai, thực hiện của các đơn vị sau sắp xếp, tinh gọn trong trường hợp phát sinh khiếu nại hoặc theo yêu cầu; đề ra biện pháp phòng ngừa và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện, đồng thời, nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo VKSND tối cao tiến hành trực tiếp kiểm tra tại một số địa phương.
Về công tác xây dựng thể chế: Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu báo cáo, đề xuất lãnh đạo VKSND tối cao xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; các nghị quyết của Quốc hội, Thông tư liên tịch về thực hiện thẩm quyền tố tụng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và những việc khác sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn.
Phối hợp tham gia góp ý xây dựng các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND như: Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính...
Các đơn vị thuộc VKSND tối cao được giao chủ trì, xây dựng các thông tư, thông tư liên tịch, quy chế, quy định, hướng dẫn,... chủ động tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và gửi báo cáo về Vụ Pháp chế trước ngày 15/5/2025 để tổng hợp, theo dõi.
Viện khoa học kiểm sát chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, báo cáo về công tác quản lý hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, nhất là tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện kết quả của các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tập trung thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của VKSND
Cùng với các điều kiện bảo đảm, Kế hoạch nêu rõ: Báo Bảo vệ pháp luật, Viện Khoa học kiểm sát, Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao và các trang tin điện tử của Viện kiểm sát các cấp tập trung thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của VKSND góp phần định hướng dư luận xã hội; nghiên cứu xây dựng các nội dung tuyên truyền mang tính thuyết phục phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam gắn với các nhiệm vụ chính trị của Ngành trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ mới theo các Đề án của VKSND tối cao được Bộ Chính trị thông qua được giao.
Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tổ chức thực hiện nghiêm và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, không để gián đoạn, quá hạn hoặc bỏ sót, lọt nhiệm vụ đang thực hiện. Tăng cường công tác theo dõi, quản lý, hướng dẫn VKSND cấp dưới để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giai đoạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chủ trì, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm trước, trong và sau khi tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy (hoàn thành trước 15/4/2025) và hướng dẫn VKSND cấp dưới thực hiện một số nội dung sau:
Bảo đảm toàn bộ tài liệu, cơ sở dữ liệu hình thành trong hoạt động của đơn vị phải được quản lý tập trung, thống nhất, an toàn; việc thu hồi con dấu, bàn giao tài liệu, cơ sở dữ liệu tài liệu sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy được thực hiện đúng quy định; có biện pháp phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện; đối với 14 chuyên đề nghiệp vụ cơ bản thực hiện theo hướng dẫn của các đơn vị được giao chủ trì thuộc VKSND tối cao.
Tiến hành rà soát, lập danh mục hồ sơ, tài liệu các vụ, việc đã và đang thụ lý, giải quyết (hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự,...) theo đúng Quy định chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân và các quy định, quy chế nghiệp vụ liên quan.
Đồng thời, tiến hành kiểm kê trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí để thực hiện bàn giao ngay sau khi có quyết định sáp nhập các đơn vị bảo đảm đầy đủ, không thất lạc, hư hỏng hồ sơ, tài liệu, tài sản,... đúng quy định của pháp luật và của Ngành.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch nêu rõ: Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quán triệt, triển khai, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng và đúng hạn; đồng thời, tăng cường theo dõi, hướng dẫn thống nhất nội dung, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân. Lưu ý, bổ sung kết quả triển khai, thực hiện Kế hoạch này trong báo cáo công tác hàng tháng, báo cáo quý, sơ kết, tổng kết gửi về Văn phòng VKSND tối cao. Văn phòng, Thanh tra VKSND tối cao có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này; trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh nhiệm vụ mới cần thiết điều chỉnh kế hoạch, kịp thời báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định. |
Xem toàn văn nội dung Kế hoạch tại đây: ke-hoach