Đại biểu Lê Thị Yến - Phú Thọ nêu ý kiến: Thực tế thời gian qua cho thấy việc bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người tố cáo gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù hiện nay chúng ta chỉ thực hiện với 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Do vậy, nhìn từ góc độ bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người tố cáo thì cần cân nhắc thận trọng việc mở rộng hình thức tố cáo.
|
|
Đại biểu Lê Thị Yến - Phú Thọ |
Đồng tình với phần lớn các nội dung của dự thảo luật và cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), tuy nhiên đại biểu Yến cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và có những tác động đáng kể đến hành vi của cá nhân, tổ chức thì cần tính tới khả năng quy định về hình thức tố cáo cho phù hợp.
Theo đại biểu Yến, mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại đòi hỏi mức độ tin học hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước phải đạt đến một trình độ nhất định, theo đó mọi hoạt động cơ bản dựa trên nền tảng số với việc ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp độ 3 và 3. Tuy nhiên, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của ta hiện nay còn chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Đồng thời nếu đưa ra phương án mở rộng hình thức tố cáo thì cần phải đánh giá tác động bổ sung về tính khả thi và mức độ đáp ứng, đặc biệt là từ phía các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, việc mở rộng hình thức tố cáo như đề xuất trong dự thảo luật thì cần được quy định một cách đồng bộ với việc đổi mới hình thức tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, thụ lý, xác minh, kết luận, rút tố cáo, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Nhìn chung phải có một quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo qua mạng thông tin điện tử hoặc trên môi trường số. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có phương án cụ thể để xử lý vấn đề này. Do vậy, việc thực hiện sẽ khó khả thi, hơn thế nếu không đổi mới về trình tự, thủ tục giải quyết cho phù hợp thì chưa phát huy được yếu tố tích cực, khi đề xuất mở rộng hình thức tố cáo.
Liên quan đến việc mở rộng hình thức tố cáo, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào - Sóc Trăng đề nghị giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp vì các lý do như...: Khó kiểm soát người gửi tố cáo qua máy fax, dịch vụ ngoài xã hội hoặc lập thư điện tử ảo, dùng sim rác, trong khi tố cáo trực tiếp hoặc gửi văn bản đều có địa chỉ, ký tên rõ ràng thì tố cáo qua các phương tiện điện tử, nhất là điện thoại rất khó chứng minh thông tin về người tố cáo.
|
|
Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào - Sóc Trăng |
Theo đại biểu Đào, tố cáo được thực hiện thông qua thư điện tử, fax, điện thoại, trong nhiều trường hợp rất khó xác định người tố cáo là ai nên có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác, họ tung tin về một người A hoặc người B nào đó có vi phạm pháp luật sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự thậm chí là sinh mệnh chính trị của người bị tố cáo, sau đó mới phát hiện tố cáo sai, tố cáo không xác định được người tố cáo. Lúc đó hậu quả thiệt hại đã xảy ra rồi thì việc khắc phục hậu quả đó ra sao cũng là vấn đề rất khó xử lý.
Cũng theo đại biểu này, dự thảo luật quy định nhiều chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo trước khi quyết định thụ lý tố cáo đều phải xác minh thông tin, địa chỉ, nhân thân của người tố cáo. Nếu mở rộng tố cáo qua fax, điện thoại, tư điện tử thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải công bố địa chỉ, trụ sở, số fax, điện thoại để tiếp nhận tố cáo. Do đó, đại biểu này đề nghị chưa nên mở rộng hình thức tố cáo. Trước mắt nên tập trung giải quyết tốt đối với việc tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Riêng với nội dung bảo vệ thông tin người tố cáo và xử lý trách nhiệm của người để lộ thông tin người tố cáo, đại biểu Ngô Thị Minh - Quảng Ninh cho rằng đây là việc khó. Đặc biệt trước thực trạng công dân có xu hướng gửi đơn tại nhiều nơi, nhiều cấp khó xác định người để lộ thông tin người tố cáo để xử lý trách nhiệm. Trên thực tế việc xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải nêu rõ nội dung vụ việc, tên người liên quan để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải biết thì họ mới cấp hồ sơ tài liệu v.v... đo vậy đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn nội dung này.
|
|
Đại biểu Ngô Thị Minh - Quảng Ninh |
Về nội dung rút tố cáo quy định tại Điều 33, theo đại biểu Minh, Ban soạn thảo không nên quy định trong luật về rút tố cáo, vì người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung tố cáo. Họ phải thận trọng hơn khi quyết định tố cáo, không thể tùy tiện trong việc tố cáo rồi lại rút tố cáo, nhất là mục tiêu tố cáo không trung thực, khách quan, có ý đồ xấu nhằm hại người bị tố cáo, sau khi đạt mục đích họ đòi rút đơn tố cáo. Trong khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo không thể chấm dứt trách nhiệm của mình và không thể phục hồi danh dự mất mát cho người bị tố cáo, do người tố cáo cố tình gây nên.
Đại biểu Minh cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào danh sách người được bảo vệ với một số trường hợp cụ thể, như người cung cấp thông tin, người nắm giữ các tài liệu quan trọng làm chứng cứ cho nội dung tố cáo, người trực tiếp xác minh và người giải quyết tố cáo. Sở dĩ đại biểu Minh đề nghị bổ sung vào danh sách người được bảo vệ các trường hợp này vì thực tế những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, vụ vi phạm có tổ chức, người giải quyết tố cáo, người trực tiếp xác minh và người cung cấp thông tin nắm giữ tài liệu quan trọng, người làm chứng cho nội dung tố cáo đã bị khủng bố, đe dọa tinh thần, ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình họ trong khi họ đang thực hiện trách nhiệm chung với xã hội. Mặt khác, tuy luật đã có các quy định về bảo mật, bảo vệ bí mật thông tin vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần của người tố cáo và người thân thích với người tố cáo nhưng luật cũng chưa có cơ chế cụ thể quy định về kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần có cơ chế cụ thể hơn trong luật để bảo vệ người tố cáo và người có liên quan.
Đánh giá Luật Tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung nhiều điểm mới rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền tố cáo của công dân và trách nhiệm giải quyết tố cáo của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà – Ninh Thuận cho rằng một số quy định về việc xử lý thông tin ban đầu tại Điều 24 chưa thật sự chặt chẽ.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà – Ninh Thuận |
Theo điều luật, trong trường hợp người tố cáo không đến tố cáo trực tiếp và tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì cơ quan tổ chức tiếp nhận tố cáo phải chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Đại biểu cho rằng dự thảo là bất cập, bởi vì cùng lúc người tố cáo gửi đến từng cơ quan và trong đó cũng có nhiều cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết và các cơ quan này theo quy định phải chuyển tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, chứ không có quy định được hướng dẫn bằng văn bản. Cho nên dẫn đến phát sinh tình trạng chuyển tố cáo lòng vòng. Thực tế có những trường hợp chuyển sai thẩm quyền gây nhiều khó khăn, phức tạp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và cả cơ quan tiếp nhận tố cáo mà không thuộc thẩm quyền giải quyết.
Đại biểu Hà cũng chỉ ra rằng, có nhiều trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp nhưng người tiếp nhận xác định không thuộc thẩm quyền và có hướng dẫn trực tiếp để người tố cáo đến tố cáo với cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người tố cáo lại không đồng ý và bắt buộc cơ quan không có thẩm quyền giải quyết phải tiếp nhận, chuyển tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Họ không chịu tự mình thực hiện việc tố cáo đến đúng nơi có thẩm quyền giải quyết và nếu không đáp ứng yêu cầu thì có thể tố cáo luôn cả người tiếp nhận hướng dẫn tố cáo. Tình trạng này đã gây rất nhiều rắc rối phức tạp trong công tác tiếp nhận xử lý tố cáo.
Xuân Hưng