Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội.

 

Trong thời gian qua, hệ thống chính sách ASXH đối với đồng bào DTTS đã được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, bao quát các lĩnh vực ASXH gồm hỗ trợ tạo việc làm, BHXH, BHYT, trợ giúp xã hội và đảm bảo tiếp cận ở mức tối thiểu các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin) đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
 

leftcenterrightdel
 


Thông tin về kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ở khu vực Tây Bắc, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, tính đến ngày 30/9/2017, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT khu vực Tây Bắc là 4.405.383 người, chiếm tỷ trọng 5,58% so tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên toàn quốc. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 10.211 người, tăng 12% so với năm 2016; số người tham gia BHYT là 4.395.172 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 96,2% so với dân số vùng, chiếm tỷ trọng là 5,58% so với tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT của cả 6 tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cũng nhấn mạnh, những kết quả nêu trên đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng phấn đấu của các địa phương khu vực Tây Bắc trong công tác thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế, vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều cách trở; cuộc sống còn nhiều khó khăn lại sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình không dễ dàng; người dân chủ yếu là người đồng bào DTTS nên nhận thức còn nhiều hạn chế; đồng bào dân tộc đa phần không có việc làm thường xuyên, kinh tế không ổn định, trông chờ vào mùa vụ, thiên tai lại thường xuyên xảy ra;…  “Đây là những nguyên nhân dẫn tới số NLĐ và người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình khu vực Tây Bắc còn thấp so với tiềm năng chung của toàn vùng”, bà Lan nói.
 
Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan trước nhận định về những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình khu vực Tây Bắc còn thấp so với tiềm năng chung của toàn vùng, tham luận của Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, hiện nay vùng Tây Bắc còn 1.359 xã đặc biệt khó khăn (thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020). Người dân ở những vùng này được Nhà nước cấp thẻ BHYT (hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT). Song song đó, hàng năm, các địa phương đều xét duyệt các xã, thôn bản thoát nghèo, điều này đồng nghĩa với việc, người dân ở các xã, thôn bản đã thoát nghèo sẽ phải tự bỏ tiền túi để mua thẻ BHYT. Việc này cũng đã khiến cho tổng lượng người dân tham gia BHYT trong vùng sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của chính sách BHYT. Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo cho rằng, để vận động số gia đình này tiếp tục tham gia BHYT là một thách thức lớn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Tây Bắc nói riêng và Ngành BHXH nói chung.
 
Với địa bàn vùng Tây Bắc có đặc thù rộng lớn, địa hình chia cắt cho nên ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại khu vực Tây Bắc thì việc đẩy mạnh vai trò của mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT và tăng cường thêm số lượng đại lý thu cho khu vực này là rất quan trọng. Đây là một trong những giải pháp chủ yếu trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho khu vực Tây Bắc đã được Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đưa ra tại Hội thảo.

Minh Anh