Theo tin báo của người dân, chúng tôi có mặt tại xã Phước Đồng. Đang giữa mùa mưa nhưng xe tải chở vật liệu vẫn chạy rầm rập trên đường ĐT 675K, đại lộ Nguyễn Tất Thành, trục đường chính của xã Phước Đồng và thành phố Nha Trang. Nhìn về núi Đá Hang, từ khoảng cách nhiều cây số đã thấy những sườn núi lộ ra, dốc đứng, nham nhở, màu đất đỏ quạch tương phản với màu xanh thẫm của thảm thực vật. Trên chiều dài chưa đầy hai cây số thuộc địa phận thôn Phước Lộc có đến bốn, năm điểm sườn núi bị đào bới. Cách điểm lở núi xảy ra hồi cuối năm 2016 chừng năm, sáu trăm mét về phía Nam là một điểm khai thác đất đang hoạt động. Trên sườn núi dốc, một chiếc máy múc đang vận hành hối hả, tiếng động cơ gầm rú. Chiếc xe công nông đầu ngang chở đất chưa kịp dời đi, một chiếc xe tải đã chờ sẵn để lấy đất.
leftcenterrightdel
 

Ông Nguyễn Văn Đức, một người dân sinh sống lâu năm gần điểm khai thác đất cho biết, trước đây, khu vực chân núi có một số điểm người dân khai thác đá chẻ tự phát. Vài năm gần đây, trên địa bàn thành phố Nha Trang có nhiều công trường san lấp thuộc các dự án khu đô thị, khu dân cư, kéo theo dịch vụ cung cấp, vận chuyển đất san lấp mặt bằng phát triển rầm rộ. Các điểm khai thác đất, đá dọc đường Nguyễn Tất Thành trở thành những mỏ đất, cung cấp vật liệu san lấp nền, hoạt động trong nhiều năm qua. Có trường hợp bị cơ quan chức năng kiểm tra, đình chỉ nhiều lần nhưng vẫn ngang nhiên tái phạm. Các điểm khai thác đất, đá trái phép thường bố trí lực lượng cảnh giới, trong khi cơ quan chức năng địa phương xử lý thiếu cương quyết, thậm chí có biểu hiện buông lỏng.
 
“Người ta cứ dần móc sâu vào trong lòng núi để lấy đất, đá bán. Thỉnh thoảng đá lại rơi ầm ầm. Khi núi đã mất chân, lở núi là chuyện sớm muộn. Chúng tôi sống ở đây cảm thấy rất bất an, nhất là khi có mưa kéo dài. Chẳng biết núi sẽ ụp xuống lúc nào. Cán bộ xã qua lại hàng ngày, họ biết việc khai thác như vậy có thể gây lở núi, nhưng không hiểu sao không ngăn chặn mà vẫn cứ cho tồn tại”- ông Đức bức xúc. 
 
Kề bên điểm khai thác đất này là một bãi chứa vật liệu lớn, một bên tiếp giáp núi, một bên là đường lộ. Trên một khu đất rộng đến vài ha, những đống vật liệu đất cát được tập kết cao như núi. Phía trong, núi bị đào bới ở nhiều điểm với quy mô lớn, trên chiều dài hàng trăm mét, tạo ra những “hàm ếch” và những ta - luy dốc đứng. Những tảng đá mồ côi khổng lồ chênh vênh, chỉ chực rơi xuống. Sát chân núi là một công trường khai thác đá chẻ, đất đá ngổn ngang. Dọc đường tỉnh lộ 3 (ĐT 657K) qua thôn Phước Thượng đến giáp ranh xã Suối Cát, Cam Lâm, có nhiều điểm núi bị đào bới. Đường ĐT 675K mới được thi công nâng cấp vài năm trước, dưới sức nén của những xe tải hạng nặng, hoạt động ngày đêm, con đường oằn mình, biến dạng hoàn toàn.
leftcenterrightdel
 Hoạt động khai thác đất, đá trái phép diễn ra công khai


Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, Nha Trang, cho biết, hiện trên địa bàn xã chỉ có một doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản tại thôn Phước Thượng của Công ty Trung Sơn. Về tình trạng khai thác đất đá trái phép dưới chân núi, ông Pháp cho biết, sau khi xảy ra lở núi, địa phương đã kiểm tra, xử lý một số điểm, tuy nhiên, việc móc đất chân núi vẫn còn. Một số hộ có đất rẫy trên núi vẫn lén lút tổ chức khai thác đất, đá trái phép. Xã đã kiểm tra, thu giữ nhiều phương tiện búa, đục, máy khoan,..
 
Ông Nguyễn Khánh Nguyện - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang, thông tin, sau khi xảy ra lở núi tại Phước Đồng, UBND thành phố Nha Trang đã có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác đất đá trái phép trên địa bàn. Trong đó, Phước Đồng và Vĩnh Thái là hai nơi được Phòng phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra rất kỹ, xử phạt rất nhiều trường hợp, kể cả thu hồi đất.
 
“Kiểm tra mà phát hiện các trường hợp khai thác khoáng sản, sử dụng đất trái phép là chúng tôi kiến nghị thu hồi đất ngay, thu hồi rất nhiều. Ngoài Phước Đồng, nhiều trường hợp khai thác đất, đá trái phép tại Vĩnh Thái, Vĩnh Hòa đều bị xử lý theo quy định”- ông Nguyện nói.

Phóng viên