leftcenterrightdel
TP Hồ Chí Minh sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16

Tại buổi sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 ở TP Hồ Chí Minh chiều 23/7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố nhiều con số ấn tượng về công tác chống dịch của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, thông qua những kết quả từ công tác chống dịch đã cho thấy những nỗ lực của chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16. Để tiếp tục phát huy công tác phòng dịch trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8.

15 ngày có 40.255 ca nhiễm COVID-19

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay tình hình dịch bệnh tại Thành phố vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm cộng đồng của thành phố từ ngày 27/4 đến nay là 46.178 trường hợp; trong đó từ ngày 9/7 đến 6h ngày 23/7 có 40.255 ca nhiễm phát hiện qua ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố. Như vậy, từ ngày 9-23/7, trung bình mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 2.780 ca bệnh; các ca nhiễm hiện hay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.

Ngoài ra, hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm PCR (+) và test nhanh dương), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong (cộng dồn từ ngày 1/1/2021), trong ngày 22 tháng 7 có 2.046 bệnh nhân xuất viện.

2.228 đội tham gia lấy mẫu xét nghiệm

Tổng số nhân sự phục vụ công tác lấy mẫu là 4.456 người, tương ứng 2.228 đội. TP Hồ Chí Minh cũng đã thay đổi phương thức lấy mẫu vừa kết hợp lấy mẫu tại cộng đồng và kết hợp với việc lấy mẫu tại nhà nên năng lực lấy mẫu hiện nay vào khoảng: 150-200 mẫu/đội/ngày. Do đó, tổng công suất lấy mẫu tối đa mỗi ngày có thể đạt 334.000 - 445.000 mẫu/ngày.

Trong 15 ngày, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành 1.619.292 test xét nghiệm được thực hiện trong đó có 1.328.046 test xét nghiệm kháng nguyên nhanh và test xét nghiệm PCR.

leftcenterrightdel
 2.228 đội tham gia lấy mẫu xét nghiệm.

Ngoài ra, tổng số nhân lực ngành y tế đang tham gia chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 14.129 người, trong đó đội ngũ y, bác sĩ của TP là 10.022 người; Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ là 4.107 người.

Đối với ngành Công an TP Hồ Chí Minh đã huy động 13.853 cán bộ chiến sỹ tham gia phòng, chống dịch; trong đó lực lượng tăng cường của Bộ Công an là 786 cán bộ chiến sỹ; sinh viên các trường CAND trên địa bàn thành phố là 794 sinh viên; điều động 832 cán bộ chiến sỹ là các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hồ Chí Minh tăng cường cho Công an các địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cũng đã điều động 27.769 cán bộ, chiến sỹ, dân quân phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến và khu phong tỏa. Đồng thời mở đợt cao điểm phối hợp với lực lượng hóa học của Quân khu 7, Bộ Quốc phòng và lực lượng hóa học TP HCM thành lập 2 đội, mỗi đội 8 xe phun khử khuẩn diện rộng toàn TP, tổ chức liên tục tại những khu vực cách ly, phong tỏa, khu vực bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, địa bàn có nguy cơ cao, các khu nhà trọ, khu dân cư.

72 khách sạn và 12 điểm cách ly tập trung

Về năng lực cách ly tại khách sạn do Thành phố quản lý dành cho các đối tượng nhập cảnh, tổng số khách sạn đang thực hiện công tác cách ly: 72 khách sạn, tương ứng 5.249 buồng/phòng; tổng số khách sạn chờ khảo sát, thẩm định: 32 khách sạn, ước khoảng 2.308 buồng/phòng; tổng số phòng còn trống có thể tiếp nhận ngay: 2352 buồng/phòng. Các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức đã vận động được 460 khách sạn đạt tiêu chuẩn cơ bản đồng thuận thực hiện chủ trương cách ly F1 tại khách sạn, với sức chứa khoảng 17.373 phòng.

Hiện nay, Thành phố có 12 khu cách ly tập trung của Thành phố, với sức chứa 8.680 người, hiện đang cách ly 4.121 trường hợp, năng lực còn lại là 4.559 chỗ. Tổng số khu cách ly của quận, huyện, Thành phố Thủ Đức chuẩn bị mở rộng khi số F1 tăng lên là 345 khu với sức chứa dự kiến 45.094 người (hiện đang cách ly 8.259 người). Trong đó, có 212 trường học sử dụng làm khu cách ly tập trung, khả năng có thể mở rộng thêm nhiều nếu cần thiết (tổng số trường học công lập từ trường mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố là hơn 1.400 trường).

Trung bình mỗi ngày cung ứng 5.000 tấn hàng hóa

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, sản lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường Thành phố trung bình hơn 5.000 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ người dân Thành phố. Ngoài ra, các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố đã nâng khả năng dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng đồ khô lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn Thành phố.

leftcenterrightdel
Hàng hóa nhu yếu phẩm luôn đầy đủ cung cấp đến người dân trong thời gian cách ly. 

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố 2.833 điểm bán hàng bình ổn giá được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận huyện, Thành phố Thủ Đức gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị Mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa; đã tăng cường tổ chức các điểm bán hàng thực phẩm bình ổn lưu động trên khắp địa bàn với nhiều mô hình mới như xe bus bán thực phẩm lưu động…, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến người dân tại từng địa bàn dân cư. Tính đến 22/7, Thành phố đã tổ chức được 798 điểm bán với 886 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận - huyện, Thành phố Thủ Đức.

Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa hình thành thêm một kênh bổ trợ, chuỗi cung ứng “linh hoạt” phục vụ kịp thời nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân với hơn 1.000 điểm bán/ngày với giá bán bằng hoặc thấp hơn giá bình ổn thị trường, giúp mọi người dân đều được tiếp cận nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.

Gần 1 triệu người được tiêm vắc xin

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai tiêm được 991.872 liều vắc xin, trong đó 943.251 người mũi 1 và 48.657 người mũi 2. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong thời gian 2-3 tuần từ ngày 22/7 để không chịu áp lực về thời gian hoàn thành mục tiêu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện về giãn cách; những điểm tiêm nào chưa đảm bảo an toàn thì sẽ chưa triển khai, nhằm tránh sự lây nhiễm dịch bệnh. Đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt này là người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh nền; tổ chức đồng loạt tại các quận - huyện, thành phố Thủ Đức.

Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh đã có 1.282 doanh nghiệp đang thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly, với tổng số trên 84.000 lao động. TP Hồ Chí Minh cũng đã cấp Phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng, chống dịch COVID -19 (có mã QR Code) cho 18.658 xe với 549 đầu mối doanh nghiệp (cùng các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng), đảm bảo lưu thông xuyên suốt trên địa bàn TP và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh phía Nam.

100% lao động tự do được hỗ trợ

TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương, kịp thời triển khai hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 09/2021 của HĐND TP Hồ Chí Minh cụ thể: hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): đã chi cho 269.631/269.631 người (đạt 100%), số tiền: 404.446.500.000 đồng; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc): đã chi cho 26.332/46.060 người (đạt 57%) của 1.540/3.031 đơn vị (đạt 51%), số tiền: 52.898.600.000 đồng.

Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: đã chi cho 84/1.227 người (đạt 6 %), số tiền: 168.200.000 đồng; hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: đã chi cho 4.934/4.977 hộ (đạt 99 %), số tiền: 9.868.000.000 đồng; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ): đã giải quyết cho 10.030/12.607 điểm kinh doanh (đạt 80 %), số tiền: 15.161.220.000 đồng.

Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận số tiền hơn 1.828 tỉ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, gồm tiền mặt và hàng hóa. Về quỹ Ủng hộ mua vắc xin phòng dịch COVID-19, tính đến nay đã có 105 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ số tiền hơn 2.293 tỉ đồng để mua vắc xin phòng dịch và UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận ủng hộ hơn 287 tỉ đồng.

Mai Phong