Thể thao Việt Nam đã có một năm 2014 không nhiều thành tích, nhưng điểm sáng lại nằm ở sự phát triển của các VĐV trẻ.

Trong năm 2014, Asiad 17 là sự kiện lớn nhất mà thể thao Việt Nam tham dự. Đúng như nhận định của Trưởng đoàn Lâm Quang Thành, đoàn Việt Nam “đã trải qua một kì Asiad vui buồn lẫn lộn”. “Buồn” vì chưa thể đạt được chỉ tiêu đề ra, nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện những nét tích cực đáng để kỳ vọng.

Với 1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ, đoàn Thể thao Việt Nam chưa đạt được thành tích đề ra trước ngày lên đường. Xét về vị trí trong khu vực, thể thao Việt Nam xếp sau 5 quốc gia là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Myanmar trên bảng tổng sắp huy chương. Nếu tính về số lượng, 36 tấm huy chương là con số không nhỏ. Lượng này tương đương với tổng số huy chương của đoàn CHDCND Triều Tiên (xếp thứ 7).

 

1
Thạch Kim Tuấn đã có một năm thi đấu thành công tại đấu trường châu lục. (Ảnh: Hải Đăng)


Dù không đạt chỉ tiêu về huy chương, nhưng thể thao Việt Nam trong năm qua đã chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của các vận động viên trẻ, đặc biệt là ở các bộ môn Olympic. Có thể kể đến trường hợp của Thạch Kim Tuấn (20 tuổi).

Dù không thể giành HCV tại Asiad 17, nhưng mức tổng cử của Kim Tuấn đạt 294kg cũng đã phá kỷ lục của Đại hội và vượt ngoài kỳ vọng. Trước đó, Kim Tuấn đã lần đầu tiên đăng quang tại Giải vô địch cử tạ trẻ thế giới với mức tổng cử 293kg. Năm 2014 khép lại ngọt ngào với đô cử người Bình Thuận bằng thành tích 1 HCV, 2 HCB tại giải vô địch cử tạ thế giới 2014 tại ở Kazakhstan. Cũng trong năm nay, Thạch Kim Tuấn được Liên đoàn cử tạ Thế giới (IWF) bầu chọn là VĐV trẻ xuất sắc nhất năm.

Bên cạnh đó là thành tích của “kình ngư” Ánh Viên trên đường đua xanh. Tại Asiad 17, Ánh Viên lần đầu tiên giành huy chương cho thể thao Việt Nam tại nội dung bơi lội, đó là hai tấm HCĐ tại nội dung ngửa 200m và hỗn hợp 400m nữ.

 

2
Ánh Viên có một năm 2014 đầy ấn tượng (Ảnh: Trọng Phú).


Năm nay mới chỉ 18 tuổi, Ánh Viên đã chứng minh mình là một trong những VĐV bơi lội triển vọng nhất thế giới khi giành HCV tại Olympic trẻ diễn ra tại Nam Kinh. Ở trong nước, “kình ngư” người Cần Thơ cũng tỏ ra không có đối thủ khi thâu tóm 20 huy chương, lập 14 kỷ lục mới của Đại hội Thể dục Thể thao Toàn quốc.

Ngoài ra, sự xuất sắc những vận động viên trẻ khác như Dương Thúy Vi (giành HCV duy nhất tại Asiad 17 ở nội dung wushu), Nguyễn Thị Thật (21 tuổi, đua xe đạp), Bùi Thị Thu Thảo (20 tuổi, nhảy xa) hay Lừu Thị Duyên (19 tuổi, Boxing) đã đóng góp tích cực vào thành tích của đoàn thể thao Việt Nam. Đáng nói hơn, những thành tích ấy đều đến ở những bộ môn trọng điểm. Điều này cho thấy thể thao Việt Nam đang có sự chuyển hướng đứng đắn để tiến tới Olympic Rio 2016 và xa hơn là Asiad 18.

Đúng như nhận định của Trưởng đoàn Lâm Quang Thành, việc các CĐV trẻ thi đấu xuất sắc tại đấu trường châu lục ở những môn Olympic như bơi, thể dục dụng cụ, boxing, đấu kiếm, xe đạp là tín hiệu rất lạc quan, tạo nền tảng cho các kỳ Olympic, Asiad tiếp theo. Những tài năng trẻ như Ánh Viên, Kim Tuấn, Nguyễn Thị Thật, Lừu Thị Duyên… còn nhiều thời gian để phát triển và đang mang đến kỳ vọng tại các môn Olympic. Họ chính là những điểm sáng giúp thể thao Việt Nam vươn ra tầm châu lục, chứ không chỉ dừng bước ở “ao làng” SEA Games./.
 

Theo VOV

.