Bagus Nirwanto, đội trưởng của CLB PSS Sleman, gần đây chuyển sang nghề buôn gạo và bán đường với vợ để có thêm thu nhập. Nirwanto trước đó bị CLB cắt một nửa lương, khiến anh không đủ tiền sinh hoạt. "Tôi rất thất vọng vì giải VĐQG bị hoãn", Nirwanto chia sẻ với Newsasia hôm 9/11. "Lẽ ra, chúng tôi phải được chơi bóng không có khán giả như những quốc gia khác".

Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) mới đây đã hủy kế hoạch tái tổ chức giải VĐQG vào tháng 10. Thay vào đó, các cầu thủ chỉ được thi đấu sớm nhất là tháng 1/2021. Nirwanto vẫn còn may mắn, vì phần lớn đồng nghiệp của anh bị giảm lương tới 75%. Nhiều người trong số họ phải đi bán hàng rong hoặc khoác lên mình chiếc áo bảo vệ để có thêm thu nhập.

Theo Newsasia, mức lương trung bình của các cầu thủ ở giải VĐQG Indonesia là 2.000 USD mỗi tháng. "Việc bị cắt giảm ba phần tư lương là thiệt hại nghiêm trọng", Djadjang Nurdjaman, HLV của PS Barito Putera, chia sẻ. "Hiệu ứng domino đã xảy ra và nhiều cầu thủ đang sống chật vật. Họ còn phải duy trì thể lực và cảm giác bóng để sẵn sàng khi giải trở lại".

leftcenterrightdel
 Cầu thủ Andri Muliadi giúp vợ kinh doanh cafe để có thêm thu nhập. Ảnh: AFP.

Chủ tịch PSSI Mochamad Iriawan nói với AFP rằng hội không thể buộc các CLB trả đủ lương cho cầu thủ. "Các CLB đã mất nguồn thu vì không có trận đấu", Iriawan nhấn mạnh. "Doanh thu của nhiều đội gần như không có trong đại dịch. Giảm lương là cách duy nhất để các đội bóng tồn tại".

Người hâm mộ Indonesia bây giờ có thể bắt gặp nhiều cầu thủ bán bánh và nước dừa ở vỉa hè. Số khác bán các món ăn đường phố như gà sa tế, thịt nướng hoặc đậu phộng. Một cầu thủ ở vùng Sumatra mới đây chia sẻ trên mạng xã hội về công việc bảo vệ ngân hàng mà anh vừa nhận được. "Tất cả chúng tôi đều hoảng sợ trong đại dịch", Andri Muliadi, khoác áo CLB Borneo, nói với AFP khi đang trông quán cafe cho vợ. "Tôi không có lựa chọn nào ngoài việc tìm thêm cách kiếm tiền".

Muliadi bây giờ phải chơi bóng với những thanh niên hàng xóm mỗi buổi chiều để giữ dáng. Công việc kinh doanh cafe của vợ chồng anh cũng không suôn sẻ trong mùa dịch. "Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn suốt từ tháng Ba tới nay", anh nói. "Chính phủ cấm tụ tập đông người nên việc kinh doanh rất trì trệ".

Nhiều cầu thủ Indonesia đã lên tiếng yêu cầu PSSI nối lại giải VĐQG càng sớm càng tốt. Nhưng điều này bị bác bỏ vì số ca nhiễm nCoV của xứ vạn đảo vẫn ở mức đáng lo ngại. "Mọi thứ giờ như mớ hỗn độn. Mọi kế hoạch đổ bể và sự háo hức của chúng tôi bị dập tắt", Muliadi nói về việc nghỉ thi đấu gần một năm. "Bóng đá chỉ có thể phát triển lên chuyên nghiệp khi các trận đấu được tổ chức".

Giải VĐQG Indonesia từng là lựa chọn của không ít ngôi sao thế giới, như Michael Essien hay Didier Zokora. Tuy nhiên, thu nhập của các cầu thủ nội địa chỉ bằng một phần nhỏ so với các ngôi sao ngoại quốc. "Tôi vắt óc tìm cách nuôi sống bốn đứa con", Supardi Nasir – đội trưởng CLB Persib Bandung – cho biết. "Chơi bóng là kế sinh nhai duy nhất của tôi và giờ nó đang bấp bênh hơn lúc nào hết".

Theo Vnexpress