Việt Nam đã thua, nhưng họ đã chơi một trận đấu kiên cường và có quyền ngẩng cao đầu rời giải. Công nghệ VAR và sự công bằng Nhật Bản chơi ép sân, cầm bóng nhiều và cho thấy họ xứng đáng là ứng cử viên cho chức vô địch Asian Cup 2019.

Nhưng Việt Nam đã cho thấy được tinh thần chiến đấu kiên cường. Chúng ta chơi chắc chắn trong phòng ngự với đội hình được bố trí 2 tầng, bịt kín mọi con đường vào khung thành của Đặng Văn Lâm.

leftcenterrightdel
Công Phượng đã có những nỗ lực tuyệt vời. Ảnh: HL. 

Nhật Bản không thể tấn công trung lộ, những đường xuống biên của họ cũng chỉ ở mức trung bình. Khi các miếng đánh không thể tạo ra được đột biến, Nhật Bản tận dụng thời cơ từ những tình huống cố định. Đây cũng là vũ khí mà họ đã dùng để hạ Saudi Arabia ở vòng 1/8 vừa qua.

Trước Việt Nam, ở ngay quả đá phạt góc đầu tiên, Nhật Bản cũng đã đưa được bóng vào lưới của Văn Lâm sau pha dứt điểm của thủ quân Yoshida trong bối cảnh thế trận của họ có phần bế tắc. Nhưng khi mà cả đội Nhật vẫn đang hứng khởi với bàn thắng có được, trọng tài đã cắt còi. Tổ trọng tài phụ trách công nghệ VAR (trọng tài video) đã thông báo cần phải nghiên cứu lại bàn thắng này.

Ông Abdulla Mohammed cho dừng trận đấu và sau khi nghiên cứu lại tình huống nhờ công nghệ VAR, vị trọng tài này đã “bẻ còi” không công nhận bàn thắng cho Nhật Bản. Pha quay chậm sau đó đã chỉ ra rất rõ bóng đã chạm tay Yoshida trước khi đi vào lưới của Văn Lâm. Do vậy, việc không công nhận bàn thắng cho Nhật Bản là một quyết định hợp lý.

leftcenterrightdel
 ĐT Việt Nam đã có thể ngẩng cao đầu rời Asian Cup 2019.

Theo quy định của Ban tổ chức thì từ vòng tứ kết, công nghệ VAR mới chính thức được áp dụng. Và ngay ở trận đấu đầu tiên của vòng 8 đội, tính công bằng của công nghệ này đã được thực thi. Bởi vậy, khi Tiến Dũng phạm lỗi với tiền đạo đối phương, anh có thể qua mặt được trọng tài chính nhưng không thể thoát khỏi công nghệ VAR.

Một quả 11m cho Nhật Bản và Ritsu Doan đã chiến thắng Đặng Văn Lâm từ chấm phạt đền. Trận đấu đã được định đoạt từ phút 57, với sự công bằng của công nghệ VAR. Thua nhưng chỉ tiếc và sướng Nhật Bản ở một đẳng cấp cao hơn, nhưng không vì thế mà Việt Nam đã chơi trong sợ hãi.

Ngược lại, trong thế phòng ngự phản công, Việt Nam lại tạo ra một thế trận sòng phẳng đối với đội bóng từng được coi là số 1 châu Á. Từ thời điểm Việt Nam thoát thua nhờ công nghệ VAR, chính Nhật Bản mới là đội chơi trong sợ hãi khi họ phải liên tục chống chịu những miếng đánh hay và sắc của các cầu thủ Việt Nam.

Nếu Quang Hải dứt điểm không trúng thủ môn của Nhật Bản sau một pha vây hãm buộc đối phương phạm sai lầm, Việt Nam đã có bàn mở tỷ số. Nếu pha cứa lòng của Công Phượng đi chính xác, tiền đạo của Hoàng Anh Gia Lai đã có một siêu phẩm khi anh solo từ giữa sân. Và nếu Văn Toàn chạm bóng chính xác hơn, anh đã có những cơ hội cho riêng mình…

Nhưng với một chữ “nếu”, bạn có thể bỏ cả Paris vào một chiếc lọ. Và chữ “nếu” ấy khiến cho chúng ta chìm trong tiếc nuối. Nhưng chúng ta vẫn “sướng” dù Việt Nam thua trận. Đó không phải là trận đấu mà Việt Nam cho thấy sự thua biệt về đẳng cấp, về trình độ giữa hai nền bóng đá khác nhau.

Việt Nam đã chơi một trận đấu hay, sẵn sàng ép sân, sẵn sàng buộc Nhật Bản phải lùi sâu phòng ngự. Việt Nam đã không lép vế, đã khiến cho đội bóng vô địch châu Á nhiều nhất phải toát mồ hôi hột. Chúng ta chỉ thua từ một tình huống cố định khi người Nhật đã không thể chơi tấn công như ý muốn của họ.

Ở mọi góc độ, Nhật Bản vẫn cho thấy họ ở một trình cao hơn. Nhưng Việt Nam đã không sợ hãi. Đã chơi một trận đấu tuyệt vời. Đó là điều khiến chúng ta “sướng”…

Trần Giáp