Ngày 27/12 tới đây, VPF sẽ tiến hành đại hội cổ đông thường niên tại TPHCM. Mọi năm, đây là sự kiện bình thường, nhưng riêng năm nay, sự kiện này được chú ý, bởi nhiều khả năng VPF sẽ thay đổi lớn về nhân sự sau Đại hội năm nay.

Theo thông báo từ chính VPF, họ sẽ tiến hành bầu các thành viên thuộc Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới (2014 – 2017).

Khả năng cả HĐQT và Ban kiểm soát VPF thay đổi là cực lớn. Về phía Ban kiểm soát của tổ chức gần như phải làm việc lại, bởi người được bầu là trưởng Ban kiểm soát VPF nhiệm kỳ đầu là ông Lê Tiến Anh (chủ tịch CLB K.Khánh Hòa) gần như đã rút lui khỏi VPF, sau khi Khatoco do ông làm Phó TGĐ rút khỏi bóng đá.

 

1
Tiếng nói của VPF phụ thuộc rất lớn vào bầu Thắng (phải)


HĐQT của VPF cũng sẽ có biến động lớn. Vị trí của bầu Kiên (phụ trách tài chính và vận động tài trợ) cần có người mới đảm nhiệm, 2 vị phó chủ tich HĐQT khác của VPF ở nhiệm kỳ 1 là các ông Đoàn Nguyên Đức và Lê Hùng Dũng cũng chẳng thấy mấy mặn mà với công việc của VPF.

Vả lại, do cả 2 đều đang đảm nhận trọng trách ở VFF (ông Lê Hùng Dũng là chủ tịch VFF, ông Đoàn Nguyên Đức là phó chủ tịch), nên có thể 2 nhân vật trên cũng không muốn phân thân ở VPF.

Hiện tại, đã có thông tin ông Trần Quốc Tuấn – phó chủ tịch VFF, sẽ thay ông Lê Hùng Dũng làm đại diện cổ đông của VFF tại VPF, đồng thời sẽ giữ trọng trách quan trọng ở VPF.

Vấn đề được đặt ra là ông Tuấn sẽ giữ trọng trách nào? Cách nay vài tháng, thậm chí còn có thông tin ông Tuấn sẽ làm chủ tịch HĐQT VPF, nếu như chủ tịch đương nhiệm là ông Võ Quốc Thắng rút lui.

Mới đây, có thông tin khác là ông Thắng sẽ ở lại. Vả lại, sau khi kéo được hợp đồng tài trợ lớn từ một doanh nghiệp nước ngoài, uy tín của ông Thắng càng tăng cao. Nên vấn đề có lẽ phụ thuộc vào chuyện bầu Thắng có muốn tiếp tục gắn bó với VPF hay không?

Nếu bầu Thắng vẫn muốn song hành cùng các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, không ai sánh được với ông bầu này, cả về uy tín, mối quan hệ, cũng như kinh nghiệm điều hành một tổ chức luôn nóng trong vấn đề tìm nguồn tiền như VPF.

Ở một khía cạnh khác, người ta đang thắc mắc rằng sau Đại hội cổ đông trước thềm nhiệm kỳ mới, vai trò của VPF sẽ như thế nào với VFF?

Dĩ nhiên, VFF vẫn là tổ chức trực tiếp quản lý VPF trên danh nghĩa, nhưng việc phụ thuộc hoàn toàn vào VFF, nhất là phụ thuộc về vấn đề tài chính là không nên. Thay vào đó, bản thân VPF vẫn cần phải có những định hướng riêng của mình, có tiếng nói nhất định trong một số vấn đề, nhất là chuyện kêu gọi tài trợ. Điều này lại tùy thuộc vào chuyện chủ tịch đương nhiệm Võ Quốc Thắng có tiếp tục ngồi lại VPF hay không?
 

Theo Dân trí

.