Lịch thi đấu chồng chéo

Cũng khó mà đem chuyện nghĩa vụ quốc gia để gây khó dễ cho các CLB chuyên nghiệp trong hoàn cảnh hiện tại, đối với giải đấu có tính chất như AFF Cup.

Tính chất đấy nằm ở chỗ giải không thuộc hệ thống thi đấu của FIFA, trong bối cảnh hệ thống này bình thường đã dày đặc lắm rồi. Chính vì sự dày đặc đấy mà ngay cả các trận đấu nằm trong hệ thống của FIFA, còn gây ra tranh cãi giữa các CLB chuyên nghiệp và các đội tuyển, huống hồ gì là giải đấu nằm ngoài hệ thống như AFF Cup – nơi các CLB đương nhiên có quyền không-trả-cầu-thủ cho các đội tuyển quốc gia.

Trước khi đòi hỏi nghĩa vụ với các đội tuyển quốc gia, phải rạch ròi ở chỗ chính các CLB là nơi trả lương cho các cầu thủ, nơi đảm bảo quyền lợi cho họ hàng ngày, nơi chịu rủi ro lớn nhất trong trường hợp cầu thủ chẳng may chấn thương.
leftcenterrightdel
AFF Cup 2020 có khả năng giảm chất lượng nghiêm trọng vì nhiều đội tuyển khó tham dự với thành phần mạnh nhất 

Không có quyền lợi đấy và không có bước đệm ở cấp CLB, giới cầu thủ nói chung lấy gì để duy trì phong độ và làm bàn đạp để bước lên đội tuyển quốc gia?

Thành ra, chính FIFA trong các vụ tranh cãi về quyền lợi, cũng tỏ ra tôn trọng quyền lợi của các CLB: Tôn trọng đối tác để được chính đối tác tôn trọng ngược lại mình.

Đứng trên góc độ đó, thật dễ hiểu khi Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) thẳng thắn cho biết khó mà tập hợp lực lượng tốt nhất dự AFF Cup, nếu như các CLB trong nước không trả người cho đội tuyển quốc gia, khi Thai-League diễn ra song song với AFF Cup. 

Ngay lúc này, triệu tập cầu thủ để tham dự vòng loại FIFA World Cup còn khó, huống hồ là triệu tập cầu thủ cho AFF Cup. Rồi khả năng vòng loại World Cup diễn ra sát với AFF Cup là khả năng cực cao, nên các đội tuyển, các cầu thủ càng dễ bị vắt kiệt sức với mực độ thi đấu dày đặc nói trên.

Chưa kể, với các CLB nhà nghề, ngoài vòng loại World Cup và giải quốc nội, họ còn tham dự các cúp châu Á (AFC Champions League và AFC Cup), khả năng cũng sẽ kéo dài đến tận thời gian diễn ra… AFF Cup.

Cùng cảnh ngộ với Thái Lan là đội tuyển Philippines, vốn có gần… 20 cầu thủ đang khoác áo các CLB thuộc Thai-League. Tức là đội tuyển Thái Lan khó gom quân ra sao, thì đội tuyển Philippines cũng khó tương tự.

Chưa kể, một số tuyển thủ Philippines còn đang thi đấu ở châu Âu và Bắc Mỹ, những nơi mà việc trả quân cho các đội tuyển để dự AFF Cup, vốn không có trong từ điển của họ.

Gánh nặng chồng chất

Ngoài Thái Lan và Philippines, Malaysia cũng chưa biết có dự AFF Cup 2020 hay không? Hoặc dự với lực lượng nào? – Bởi, giải vô địch bóng đá nhà nghề Malaysia chưa định được ngày trở lại.
leftcenterrightdel

Các cầu thủ dễ bị vắt kiệt sức vì lịch thi đấu AFF Cup không chỉ trùng với nhiều giải quốc nội vào cuối năm, mà còn sát với vòng loại World Cup 
Giả sử, giải bóng đá nhà nghề Malaysia cũng diễn ra song song bới AFF Cup, khả năng đội tuyển bóng đá xứ Mã cũng sẽ phải đi đến quyết định giống Thái Lan, đó là chỉ có thể dự giải với thành phần trẻ, hoặc đội hình 2. 

Giải đấu đứng trước dấu hỏi về chất lượng các đội tham dự, đứng trước khả năng có thể vắt kiệt sức các cầu thủ ở Đông Nam Á, do diễn ra quá sát với vòng loại World Cup, và nhiều giải đấu trong nước cũng như quốc tế vào thời điểm cuối năm, nhưng lại được chào bán bản quyền phát sóng với giá cao ngất (5 triệu USD cho bản quyền phát sóng AFF Cup 2020 tại Việt Nam), dường như đang là một nghịch lý!

Một khi chất lượng của các đội bóng tham dự giải không được đảm bảo, khi tâm lý của nhiều nền bóng đá chẳng còn mặn mà, do đối diện với nhiều mối bận tâm khác, thì khả năng chất lượng chung của giải sẽ đi xuống là điều hiển hiện.

Nếu buộc phải tranh chấp ngôi vô địch bóng đá Đông Nam Á trong hoàn cảnh như thế, có khi ngôi vô địch cũng chẳng còn mấy ý nghĩa, vì không còn nhiều trận cầu mang tính chất ganh đua thật sự.

Vả lại, khi giải đấu ấy có khả năng tạo ra nghịch lý về vấn đề tài chính, giữa chất lượng của giải với mức giá để xem giải đấu (5 triệu USD tương đương với khoảng 115 tỷ đồng), thì việc cố duy trì AFF Cup trong bối cảnh như thế đôi khi trở thành gánh nặng.

Gánh nặng về sức khoẻ con người, sức khoẻ cầu thủ, về hình ảnh của các nền bóng đá (đặc biệt là với những nền bóng đá không thể dự giải bằng đội hình tốt nhất như đã phân tích), gánh nặng về mặt kinh tế, hơn là ngày hội của sự cạnh tranh như chính AFF Cup ở các kỳ giải trước!
Theo Dân trí