Báo Bảo vệ pháp luật nhận được phản ánh việc rừng tự nhiên tại địa phận xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa đang bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng.

Những ngày cuối tháng 4, theo chân người dẫn đường PV đã vào tiểu khu 208 xã Cao Quảng giáp ranh với xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn và xã Xuân Trạch, 1 trong nhiều khu vực đã và đang từng ngày bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
 Rừng tự nhiên tại xã Cao Quảng đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Sau hơn 2h đồng hồ trèo đèo, lội suối, chúng tôi đã tiếp cận được khu vực bị tàn phá này. Ghi nhận ban đầu từ con đường kéo gỗ độc đạo phẳng lì, những thớ gỗ tươi mới còn vương trên đá là những dấu hiệu cho thấy gỗ chỉ mới được vận chuyển ra trước thời điểm chúng tôi vào vài tiếng đồng hồ.

Đứng dưới con suối nhìn lên 2 bên sườn núi là những khoảng rừng trống lớn do cây đổ tạo ra, khô khốc, hoang tàn. Bằng mắt thường cũng có thể nhận ra những thân cây cổ thụ có đường kính rất lớn đã bị cưa hạ, nằm ngổn ngang.

Ngay bờ suối, PV tiếp cận với cây gỗ đầu tiên bị hạ, đây là 1 cây gỗ Trín có đường kính tại gốc là 1m. Phần thân cây bị hạ xuống nằm dài hàng chục mét từ sườn núi xuống tận bờ suối. Từ thân cây này lâm tặc cắt ra thành nhiều khúc rồi xẻ gỗ, 1 số đã được lấy đi. Hiện trường cho thấy 1 khúc gỗ đã bị cưa xẻ vương vãi bìa, mùn cưa còn mới, còn lại 2 lóng gỗ dài có đường kính gần 80cm đang nằm chờ cưa xẻ.

leftcenterrightdel
 Một cây gỗ lớn bị hạ, lâm tặc chỉ mới cưa xẻ được 1 phần, tại hiện trường còn lại 2 lóng gỗ dài chưa bị cưa.

Từ vị trí gốc cây này rất dễ để nhìn thấy nhiều cây lớn khác bị hạ, trong vòng bán kính tầm hơn 500m PV ghi nhận hàng chục gốc cây có đường kính từ 45 đến hơn 1m bị đốn hạ.

Tại khu vực này, lâm tặc tập trung đốn hạ hàng loạt cây Trín có đường kính lớn trên 80cm. Cụ thể, cách gốc cây đầu tiên chừng 20m, PV tiếp cận 2 gốc Trín khác có đường kính gốc lần lượt là 80cm và 91cm. Hiện trường khai thác tại 2 gốc này cũng giống với gốc cây đầu tiên. Những cây này đã bị hạ từ lâu, nhưng việc cưa xẻ thì chỉ mới diễn ra và số lượng gỗ bị cưa xẻ đem về là rất ít. Nhiều lóng gỗ thẳng dài hơn 10m chưa bị cưa xẻ hoặc chỉ mới bị xẻ 1 phần nhỏ.

Đáng chú ý, cũng tại khu vực này PV phát hiện hàng chục hộp gỗ Trín đã được cưa xẻ nằm ngổn ngang và được che đậy bằng các lớp cành lá đang nằm chờ vận chuyển ra. Số gỗ này được xẻ ra từ 2 gốc Trín lớn khác. Ngay bên cạnh 1 cây gỗ lớn chưa xác định tên có đường kính hơn 1m cũng bị đốn hạ, hiện trường tan hoang, riêng cây gỗ này phần lớn gỗ đã bị lấy đi hết chỉ còn sót lại hàng đống bìa và 1 số đoạn gỗ xấu không lấy được.

leftcenterrightdel
 Xót xa trước cảnh 1 cây Trín lớn bị hạ, cưa xẽ

Cũng tại khu vực này, PV còn bắt gặp 1 cây gỗ lớn bị đốn hạ có đường kính đo được lên tới 165cm, tại gốc cây này chỉ còn lại bìa và cành ngọn còn gỗ đã bị khai thác vận chuyển hết.

Ngoài những gốc cây có đường kính trên 80cm như trên thì những gốc cây có đường kính trên 40cm cũng bị đốn hạ hàng loạt. Có những cây chỉ mới bị cưa vào khoảng ngày 27, 28, 29/4 lá còn tươi, mùn cưa, bìa còn ứa nhựa.

Ngay tại thời điểm PV ghi nhận hình ảnh các gốc cây đã bị đốn hạ thì tiếng cưa máy vẫn liên tục réo lên, tiếng cây đổ vang dội 1 cả khu rừng.

Những hình ảnh PV ghi nhận tại khu vực rừng bị tàn phá này:

leftcenterrightdel
Hàng chục hộp gỗ đã cưa xẻ được chất thành từng đống giữa rừng

leftcenterrightdel
 Tại hiện trường, những khoảng rừng trống, tan hoang, bìa gỗ đã cũ nằm la liệt

leftcenterrightdel
 Những lóng gỗ dài, đường kính lớn, nằm la liệt chờ cưa xẻ.

leftcenterrightdel
 Một lóng gỗ dài, đường kính hơn 80cm lâm tặc chưa kịp cưa xẻ

leftcenterrightdel
 Lóng gỗ dài hơn 10m đường kính gần 70cm nhưng lâm tặc chỉ vừa cắt được 1 phần nhỏ.

leftcenterrightdel
 2 cây Trín bị đốn hạ sát nhau, dấu hiệu cửa xẻ còn mới
leftcenterrightdel
 Những gốc cây mới bị cưa hạ còn ứa nhựa

leftcenterrightdel
  Lâm tặc đánh dấu chủ quyền, định đoạt trước số phận những cây gỗ đang đứng.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Cường