Dư luận ủng hộ

Như chúng ta đã biết, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trong đó đáng lưu ý là nghị định tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Cụ thể, tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt đến 16 – 18 triệu đồng, tước quyền dùng giấy phép lái xe 4 - 6 tháng)…

Nghị định cũng ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/ 1l khí thở bị phạt tước Bằng từ 10 - 12 tháng và phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (trước đây không bị phạt tiền, không bị tước bằng)…

leftcenterrightdel
 Một trường hợp kiểm tra nồng độ cồn.

Nghị định bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ. Theo đó, người điều khiển xe thô sơ có thể bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.

Ngay khi Nghị định đi vào cuộc sống, với chế tài được cho là có sức giáo dục, răn đe lớn, có thể nói nghị định 100/2019 đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ.

“Công việc của chồng tôi hay phải tiếp khách, uống rượu bia. Nhiều hôm thấy chồng về đến nhà là say lăn ra ngủ. Tôi thấy chồng mình lái xe trong những lúc như vậy rất nguy hiểm. Gần đây, đặc biệt là từ ngày 1/1 khi mức xử phạt mới được áp dụng, tôi và gia đình đã động viên chồng không lái xe sau khi uống rượu bia mà chủ động bắt xe taxi đi và về. Giờ tôi cũng thấy nhiều bạn bè khác của tôi cũng làm như vậy. Đã uống rượu bia là không lái xe để đảm bảo an toàn cho chính mình và người khác” – chị Huyền, nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm

Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, tất cả các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, với quyết tâm cao, các lực lượng chức năng cũng đã tích cực ra quân để triển khai nghiêm túc Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, bước đầu mang lại hiệu quả và nhiều tín hiệu tích cực.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 6/1, cả nước đã xử lý 25.345 trường hợp lái xe vi phạm, trong đó có 2.673 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

leftcenterrightdel
 Một trường hợp ký biên bản vi phạm.

Riêng tại Hà Nội, tính từ ngày 1/1 đến ngày 5/1, lực lượng CSGT Công an thành phố đã xử lý tổng cộng 84 trường hợp, trong đó tạm giữ 4 ô tô, 80 xe máy. Trong số này có 18 trường hợp bị lập biên bản xử phạt ở khung cao nhất, gồm 4 ô tô 13 xe máy và 1 xe máy điện.

Tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm, phát hiện gần 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 10 trường hợp là lái xe ô tô vi phạm, gần 190 trường hợp là xe mô tô, xe gắn máy. Các vi phạm của ô tô hầu hết ở mức 1 bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe.

Tín hiệu tích cực

Sau một tuần triển khai Nghị định, các lực lượng thực thi pháp luật cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, nhiều trường hợp vi phạm, trong đó chủ yếu là vi phạm nồng độ cồn đã không hợp tác với lực lượng CSGT, không chấp hành việc đo nồng độ cồn. Một số trường hợp còn chửi bới; bỏ lại xe hay “gọi điện thoại cho người thân” hỗ trợ… Được biết, đối với các tình huống này, lực lượng công an sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn, nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (ảnh minh họa).

Theo thống kê của Cục CSGT, tính từ ngày 1/1 đến 6/1, cả nước xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông làm chết 103 người, bị thương 71 người (bình quân 17 người chết/ngày). Như vậy, trong 6 ngày đầu triển khai Nghị định 100 của Chính phủ, số người chết do tai nạn giao thông giảm 4 người/ngày so với bình quân số người chết/ngày của năm 2019. Cụ thể là 17 người/ngày so với 21/người/ngày.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nhưng nguyên nhân liên quan đến rượu bia luôn chiếm số lượng lớn. Tết Nguyên Đán 2020 đang đến gần, lượng tiêu thụ rượu bia có khả năng sẽ tăng, đồng nghĩa với việc người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia sẽ khó giảm.

Hi vọng cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định 100 của Chính phủ với các chế tài mạnh mẽ, sẽ góp phần cải thiện rõ rệt tình hình vi phạm trong lĩnh vực giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân…

 

MK