Ngày 3/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam bị gián đoạn.

 


Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phối hợp phải đảm bảo an toàn trong công tác thi công, không để tai nạn lao động xảy ra; giám sát chặt chẽ nhằm đốc thúc các lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị, địa phương cần tổ chức rà soát ngay các cây cầu yếu trên toàn quốc để triển khai phương án sửa chữa thay thế. Phó Thủ tướng cho rằng, tai nạn đường sắt, đường thuỷ ít xảy ra hơn so với tai nạn đường bộ, tuy nhiên tính chất mức độ nghiêm trọng lại rất lớn.

Do đó, việc đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ, đường sắt cần phải tập trung coi trọng. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và ngành đường sắt rà soát lại các đường ngang giao nhau với đường sắt để có phương án nhằm đảo bảo an toàn.

Đối với vụ tai nạn làm sập cầu Ghềnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công an chỉ đạo và phối hợp với công an địa phương rà soát lại các bước điều tra để đưa ra các hình thức xử lý kịp thời, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Kiểm tra việc khắc phục công tác vận chuyển hàng hóa từ ga Trảng Bom (Đồng Nai), Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực làm việc, tinh thần cộng đồng trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn của cán bộ, công nhân nhà ga và ngành đường sắt.

Phó Thủ tướng đề nghị việc cải tạo, mở rộng ga để đáp ứng vận chuyển hàng hóa cần phải được đẩy nhanh tiến độ đến ngày 12/4 tới có thể hoàn thành.

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, để tăng cường năng lực vận chuyển, xếp dỡ, Tổng công ty đã khẩn trương triển khai việc cải tạo, nâng cấp nhà ga, bãi hàng, đường xếp dỡ tại ga Biên Hòa (dự kiến hoàn thành trước ngày 22/4/2016), ga Hố Nai và Trảng Bom (dự kiến hoàn thành trước ngày 12/4/2016) nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến hành khách đi tàu và chủ hàng; đồng thời xây dựng, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Hiện tại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì tổ chức chạy 8 đôi tàu/ ngày, giảm 3 đôi tàu/ngày, từ sau sự cố sập cầu Ghềnh. Ngành Đường sắt cũng phải lập mới 57 đôi tàu chuyển tải hành khách đoạn Sài Gòn-Sóng Thần và kết hợp với chuyển tải bằng ô tô đoạn Sóng Thần-Biên Hòa.

Về vận tải hàng hóa, ngay sau khi xảy ra sự cố cầu Ghềnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức thay đổi vị trí xếp, dỡ cho toàn bộ các đoàn tàu chuyên tuyến; đồng thời tổ chức giải thể đoàn tàu, xếp dỡ tại ga Trảng Bom và Hố Nai. Hiện nay, đã giải phóng được toàn bộ hàng hóa cho 14 đoàn tàu và tổ chức xếp dỡ khôi phục tàu chuyên tuyến 4 đôi/ngày./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.