Trong lúc các bên liên quan đang tranh cãi thì chỉ có chủ phương tiện chịu thiệt. Họ buộc phải nộp phạt để tiếp tục kinh doanh. Theo doanh nghiệp, cách xử lý như vậy là bất công. Dù họ không gây ra lỗi nhưng lại bị PC67 Hà Tĩnh áp đặt, xử oan.

leftcenterrightdel
 Một camera giám sát tự động trên đoạn quốc lộ chạy qua Hà Tĩnh. (Hình: plo.vn)

Chủ xe “cắn răng” nộp phạt

Như đã thông tin trong số báo trước, ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Minh Thành có trụ sở tại Hà Nội, chủ xe ô tô tải “số đen” BKS 29C-47911 ba lần bị PC67 Công an Hà Tĩnh “phạt nguội” và một lần “phạt nóng” về lỗi quá tốc độ đều tại điểm đo km469+800 QL1A thuộc thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Công ty Minh Thành sau khi liên tiếp nhận được thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ PC67 Hà Tĩnh, đã yêu cầu tài xế giải trình. Lái xe khẳng định là tài xế chuyên nghiệp nên không quá tốc độ, luôn để mắt công tơ mét trên xe, chưa nói GSHT đặt trên xe. Theo kết quả thiết bị GSHT được nhà sản xuất cung cấp thì tài xế “bị oan”.

Tài xế điều khiển xe tải 29C-47911, anh Phạm Thế Thông đặt nghi vấn về thời gian bị thiết bị của CSGT ghi tốc độ xử phạt. Anh nói thời gian đó thường xuyên di chuyển qua đoạn đường có lắp thiết bị đo tốc độ “phạt nguội” nên nhớ rất rõ thời gian đi về. Chiếu theo thời gian ghi trên thông báo vi phạm, anh cho rằng xe của anh bị đo tốc độ sớm hơn 30 - 35 phút trước khi di chuyển tới vị trí bị đo tốc độ vi phạm. Nói cách khác, theo anh, máy đo tốc độ của CSGT bị lỗi. 

Về phía chủ xe, cho biết không thể bắt lỗi tài xế chịu phạt. “Tài xế có vi phạm nội quy công ty đâu mà bắt họ nộp phạt? Toàn bộ số tiền nộp phạt hơn 10 triệu là của công ty bỏ ra”, ông Thành nói và cho biết đã “nhờ” Phòng CSGT Hà Tĩnh “nộp hộ” tiền phạt.

Vì sao không nộp phạt trực tiếp mà lại “nhờ”? Tài xế điều khiển xe tải 29C-47911, anh Phạm Thế Thông (SN 1991, ngụ xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xác nhận anh và chủ xe từ Hà Nội vào Hà Tĩnh nộp phạt và đưa tiền “nhờ” Phòng CSGT đóng hộ ở kho bạc. Lý do đã hết giờ làm việc buổi sáng, cơ quan xử lý vi phạm hẹn buổi chiều làm, việc nhưng chủ xe phải về Hà Nội có việc gấp.

Tại sao luôn khẳng định “bị oan” nhưng vẫn nộp phạt, Giám đốc Công ty vận tải cho hay: “Tiền kinh doanh thì vay ngân hàng, lãi phải trả hàng tháng. Phương tiện bị xử phạt không thể kinh doanh, khiếu nại thì không được giải quyết, nếu kiện tụng biết bao giờ mới xong?”. Vì lý do muốn tiếp tục đưa phương tiện hoạt động kinh doanh trở lại, Công ty  Minh Thành phải  “cắn răng” nộp phạt. Sau những lần bị cho “dính” phạt oan như trên, xe của công ty đã chọn phương án an toàn là thay đổi lộ trình, không đi qua tuyến đường cũ nữa.

Lý giải của nhà sản xuất thiết bị GSHT 

Trong sự việc này, một bên thứ ba rất quan trọng, có thể được coi “trọng tài phân giải”, là đơn vị sản xuất thiết bị GSHT. Công ty Vận tải Minh Thành ký hợp đồng lắp đặt thiết bị GSHT BA4-BLACKBOX phiên bản V theo quy chuẩn quốc gia QCVN13-2014/GBTVT với Công ty Bình Anh có trục sở tại Hà Nội.  

Theo các tài liệu nhà sản xuất thiết bị GSHT cung cấp, Công ty Bình Anh được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận hợp quy ngày 20/4/2016. Trong đó xác nhận “đã kiểm định và chứng nhận thiết bị đầu cuối trong hệ thống GSM kí hiệu B4A-BLACKBOX được sản xuất bởi Công ty Bình Anh phù hợp với quy chuẩn QCVN 12: 2015/BTTTT”. Giấy chứng nhận này được cấp dựa trên kết quả đo kiểm ngày 7/4/2016 của Trung tâm đo lường thuộc Cục Viễn thông, giấy chứng nhận có giá trị đến ngày 20/4/2018.

Trước đó, Công ty Bình Anh cũng được Bộ Giao thông Vận tải cấp Giấy chứng nhận “thiết bị GSHT sản xuất lắp ráp trong nước phù hợp QCVN 31: 2011/BGTVT”, xác nhận thiết bị GSHT kiểu BA2-BLACKBOX nhãn hiệu Bình Anh phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Như vậy, thiết bị GSHT đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật Việt Nam.

Trao đổi với PLVN, ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Điện tử Bình Anh một lần nữa khẳng định thiết bị GSHT định vị GPS được Tổng cục Đường bộ chứng nhận đã kiểm định và được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận đúng quy chuẩn: “Kết quả không thể sai được”. Nói như ông Anh, trong sự việc này máy bắn tốc độ của CSGT Hà Tĩnh “có vấn đề”.

Ông Anh cho biết nguyên tắc hoạt động của tất cả thiết bị GSHT theo quy chuẩn của Tổng cục Đường bộ luôn ghi nhận tốc độ phương tiện từng giây, cứ 20 - 30s thì kết quả được gửi về tổng đài một lần. Dữ liệu tốc độ xe được lưu trong thiết bị và gửi về tổng đài. Doanh nghiệp vận tải lẫn tài xế đều không thể can thiệp kết quả này. Nếu xe chạy quá tốc độ, thiết bị sẽ cảnh báo. Nếu thiết bị bị lỗi, sẽ không báo tốc độ, chứ không có trường hợp báo sai.

Khi được hỏi về độ chính xác của thiết bị, đại diện Công ty Bình Anh trả lời các sản phẩm của công ty đều tuân theo quy chuẩn chất lượng của Bộ GTVT, có thiết bị GSHT của công ty đưa vào sử dụng 10 năm rồi chưa báo lỗi. 

Lý giải về sự “vênh” tốc độ của xe tải trong trường hợp nêu trên, ông Anh đưa ra khả năng có thể do chênh lệch về thời gian cài đặt trên thiết bị GSHT GPS và thời gian cài đặt trên thiết bị đo tốc độ của CSGT. Ông này lấy ví dụ: “Trong vụ việc xe tải nêu trên, cùng một thời gian, đồng hồ của thiết bị đo tốc độ của CSGT ghi nhận vào lúc 12:00:00 xe tải có tốc độ V1 nhưng đồng hồ trên thiết bị GSHT lúc đó lại là 12:00:03 tương ứng với vận tốc V2. Chỉ cần chênh vài giây đã cho kết quả vận tốc khác nhau”, ông Anh nói và giải thích thêm thời gian trên thiết bị GSHT hoạt động theo định vị vệ tinh nên không thể sai được, trừ trường hợp mất sóng tín hiệu. Tuy nhiên, khả năng này hi hữu. Để đồng nhất thời gian, có thể hiệu chỉnh thời gian cài đặt trên thiết bị đo tốc độ. Tuy nhiên, sau một thời gian vẫn xảy ra sai số nhất định.

Theo đại diện nhà sản xuất thiết bị GSHT, để đảm bảo chính xác tốc độ phương tiện, cơ quan xử phạt nên cung cấp tốc độ theo tọa độ điểm bắn chạm xe chứ không phải vị trí đặt công nghệ bắn vì hai tọa độ khác nhau. Trường hợp có sự khác nhau về kết quả, nên kiểm tra lại tốc độ của xe trên cả đoạn đường, loại bỏ những vị trí mất tín hiệu để đối chiếu. Trong sự việc này, PC67 Hà Tĩnh chưa thực hiện động thái nói trên, có thể dẫn đến oan sai cho phương tiện.

Câu chuyện bất hợp lý trong xử lý vi phạm giao thông nêu trên nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với PLVN, nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp luật, chuyên gia giao thông đều có chung nhận định PC67 Hà Tĩnh đã xử ép, phạt sai luật với phương tiện. Những ý kiến này, PLVN xin tiếp tục chuyển tải trong số báo tới.

 Trả lời báo chí mới đây, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết sau khi lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động dọc quốc lộ 1A qua các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh… giám sát tốc độ xe và một số điểm lắp camera giám sát đèn đỏ, PC67 Công an Hà Tĩnh đã gửi và xử lý hàng chục ngàn trường hợp  ô tô. Trong đó, chủ yếu là ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ...

 

Theo baophapluat.vn