(BVPL) - Do nhiều nguyên nhân mà trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh cho các vùng nông thôn tại các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên vẫn chưa được chú trọng đầu tư. Chỉ đến khi xảy ra vụ sập cầu treo Chu Va hay hình ảnh những cô giáo phải chui vào túi ni lon để qua sông thì yêu cầu về việc đầu tư xây dựng, sửa chữa những cây cầu nhỏ kết nối liên vùng và cầu treo dân sinh mới được đề cập và thúc đẩy.      
 


Hiện nay, đa số các cầu được thiết kế tương đương với Tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, loại A có khổ 3,5m, tải trọng xe cơ giới nhỏ hơn hoặc bằng 8 tấn hoặc loại B có tổng trọng tải xe thô sơ nhỏ hơn hoặc bằng 2,8 tấn, có khả năng chịu tải với đoàn người đi bộ 300kg/m2. Tuy nhiên, vẫn có một số cầu được thiết kế với tải trọng thấp chỉ đủ cho người đi bộ 100 – 300kg/m2. Đặc biệt, các tải trọng này chưa có trong bộ tiêu chuẩn thiết kế.

Từ những nhận định nêu trên, ông Khuất Minh Tuấn cho rằng: “Cần sớm ban hành bổ sung tiêu chuẩn thiết kế cầu treo trên hệ thống đường giao thông nông thôn, đường dân sinh để thống nhất tiêu chuẩn thiết kế, tải trọng khai thác. Bên cạnh đó, cần xây dựng, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn đối với việc quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì các cầu treo. Một tồn tại nữa hiện nay là thiếu vốn, thiếu kiến thức chuyên môn của các cơ quan quản lý, người thực hiện bảo trì và hạn chế về kiến thức pháp luật đã khiến cho việc triển khai đầu tư xây dựng, vận hành gặp nhiều khó khăn”.

Về tiến độ triển khai Đề án xây dựng cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Từ đầu năm 2013, Bộ GTVT đã có Văn bản số 2110 báo cáo Chính phủ về Đề án này. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ coi Đề án là một bộ phận được thực hiện trước của Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định 2356 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo việc tư vấn lập Đề án tổng thể thực hiện Quyết định 2356.

Cũng theo ông Thắng, ban đầu, 28 tỉnh này đề xuất xây dựng cầu tại 4.964 vị trí, trong đó có 1.190 vị trí đề nghị xây dựng cầu treo. Sau khi kiểm tra, phân tích, đánh giá, Bộ GTVT đã xác định 186 vị trí, đồng thời có Tờ trình Chính phủ, kiến nghị các nội dung cụ thể để triển khai ngay Đề án.

Huy động nhiều nguồn vốn để xây cầu

Hiện nay, do chưa xác định được số vốn thông qua hình thức xã hội hóa, chưa có các dự án ODA nên Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ bố trí vốn ngân sách nhà nước 350 tỷ đồng mỗi năm từ 2015 – 2020 để thực hiện Đề án.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Thắng đề xuất, cần huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: ODA và xã hội hóa. Trong điều kiện cần triển khai sớm để giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, đề nghị cho nhà thầu có năng lực tài chính, kỹ thuật thực hiện bằng vốn của mình và không tính lãi trong thời gian xây dựng. Ngân sách sẽ bố trí trả dần hàng năm. Được biết, hiện nay, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã có đề xuất ứng tiền không tính lãi xây 186 cây cầu này.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ GTVT về rà soát cầu treo cũ, triển khai xây cầu mới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu đơn vị này trong quý II/2014 phải xong toàn bộ mọi quy trình thủ tục để có thể triển khai đồng loạt 186 cây cầu.

Nguyên tắc xây dựng cầu phải tuân thủ “4 nhất”, gồm: an toàn nhất, nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, cập nhật tình trạng cầu treo trên cả nước, làm rõ cầu nào cần dừng khai thác, cầu nào phải sửa chữa cũng như rà soát biển báo sao cho phù hợp với tải trọng thực tế.

Đối với những công trình xuống cấp nặng, tiềm ẩn nguy cơ, sự cố thì phải có giải pháp tạm ngừng khai thác để sửa chữa hoặc dừng vĩnh viễn nếu không sửa chữa được, tổ chức làm cầu mới. Bên cạnh đó, cân nhắc kỹ càng xem nơi nào làm cầu treo, nơi nào làm cầu dây văng, nơi nào chỉ cần làm cống hoặc cầu xi măng…

“Làm cầu dân sinh là làm cầu cho những người nghèo nhất, ở những vùng sâu, vùng xa nhất. Bà con đã rất khó khăn rồi, làm cầu treo phải làm bằng lương tâm của người thợ cầu, người quản lý. Đừng ăn bớt, ăn xén dù chỉ một đồng” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
 

Nhóm PV

.