Theo đó, các tuyến đường tổ chức cấm phương tiện lưu thông theo giờ, như sau: Quốc lộ 13: Đoạn từ ngã năm Phước Kiến đến cầu Vĩnh Bình; đường Mỹ Phước - Tân Vạn: Đoạn từ giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn với đường Phú Lợi đến giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn với ĐT743A (giáp khu du lịch Thủy Châu); đường ĐT743: Đoạn từ giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn với đường Phú Lợi đến giao lộ ĐT743B với đường Độc Lập (Khu công nghiệp Sóng Thần 1); đường Nguyễn Thị Minh Khai: Đoạn từ Quốc lộ 13 đến đường Phú Lợi; đường Huỳnh Văn Cù: Đoạn từ ngã năm Phước Kiến đến ngã ba Bến Đò (huyện Củ Chi); đường ĐT747: Đoạn từ ngã tư miếu Ông Cù đến cầu Ông Tiếp.

leftcenterrightdel
 Các tuyến đường trọng điểm quá tải vì xe tải trọng lớn.

Cụ thể hơn, khung giờ và các loại phương tiện bị cấm như sau: Thời gian cấm phương tiện kéo rơ moóc và xe sơ mi rơ moóc lưu thông tại các tuyến đường nêu trên: Buổi sáng từ 6 – 8h; buổi chiều từ 16 - 18h. Cấm ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe trên 10 tấn (trừ phương tiện kéo rơ moóc và xe sơ mi rơ moóc) lưu thông buổi trưa từ 11 – 14h.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi, điều chỉnh phân luồng giao thông cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.

leftcenterrightdel
Kẹt xe tại các tuyến đường trọng điểm. 

Trong thời gian thí điểm thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Sở Giao thông - Vận tải chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan kịp thời điều chỉnh phương án thí điểm cho phù hợp. Sau thời gian thực hiện thí điểm, Sở Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện chính thức...

Đồng thời, Sở Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm phối hợp làm việc, hướng dẫn với các doanh nghiệp BOT triển khai hiệu quả việc lắp đặt các biển báo cấm trên các tuyến đường chinh và các giao lộ với đường chinh. Cụ thể: Trên Quốc lô 13, Nguyễn Thị Minh Khai (tại khu vực giao lộ Quốc lộ 13), đường ĐT 743 và đường Mỹ Phước, Tân Vạn do Tổng Công ty Becamex IDC thực hiện. Đường ĐT 747 do công ty Cổ phần Lâm sản và Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Dương thực hiện. Trên đường Huỳnh Văn Cù và Tỉnh lộ 8 do Công ty Cổ phần BOT Phú Cường thực hiện. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai và các đường nhánh dọc tuyến do UBND Thành phố Thủ Dầu Một thực hiện (trừ giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai -Quốc lộ 13).

leftcenterrightdel
 Cảnh sát giao thông phân luồng tại TP Thủ Dầu Một.

UBND tỉnh Bình Dương giao cho các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lắp đặt các biển báo giao thông để kịp thời triển khai thí điểm.

Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, việc điều tiết phân luồng giao thông trên các tuyến đường huyết mạch là cần thiết, bởi hiện nay tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trên địa bàn khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc. 

Cũng theo nội dung công văn này, Sở Thông tin truyền thông sẽ phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Ban quản lý các khu Công nghiệp tỉnh chủ trì, định hướng cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí truyền thông trong và ngoai tỉnh cung cấp thông tin, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về nội dung chi tiết thực hiện phương án thí điểm này và không làm ảnh hướng đến việc sản xuất kinh doanh… Giao UBND TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên chủ động phối hợp các doanh nghiệp BOT lắp đặt biển báo trên các giao lộ, tuyến đường nhanh…

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo Cảnh sát giao thông các đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn các phương tiện giao thông lưu thông trong quá trình triển khai thí điểm phân luồng. Chủ động rà soát phân luồng trên  các tuyến đường nhánh để đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

Trước khi ra công văn thí điểm phân luồng giao thông, trong buổi gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn của lãnh đạo tỉnh Bình Dương diễn ra vào ngày 30/10/2020, nhiều doanh nghiệp đã bức xúc trước tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông xảy ra liên tục khiến hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hoá bị ngưng trệ.

Hầu hết  các doamnh nghiệp cho rằng, nhiều năm qua hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh mặc dù được đầu tư bài bản, hiện đại nhưng nạn kẹt xe xảy ra liên tục khiến hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hoá bị ngưng trệ.

"Trước đây, chúng tôi đi từ Dĩ An lên Thủ Dầu Một chỉ mất khoảng 20 phút. Nhưng bây giờ di chuyển cũng quãng đường đó mất hơn 1 giờ đồng hồ”, đại diện một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương phản ánh.
Thúy Hà