Tại Quyết định 5609/QĐ-BYT, Bộ Y tế vừa ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2021.

Theo đó, đối với Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục gồm: Tiếp nhận hồ sơ, phân công giám định; các bước khám giám định; hoàn thành trả kết quả giám định.

Yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị giám định: Phòng khám giám định phải đảm bảo kín đáo, thân thiện, sạch sẽ, có phương tiện sưởi ấm về mùa đông và mát về mùa hè.

Về tiếp nhận quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu, hồ sơ và đối tượng giám định: Người được giao nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận và lập biên bản giao nhận: Quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu, hồ sơ giám định và đối tượng giám định; hồ sơ do cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp qua bưu điện.

Hồ sơ đủ điều kiện giám định gồm: Quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định; bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ liên quan đến nội dung cần giám định; các hồ sơ về y tế có liên quan giám định pháp y (nếu có); biên bản ghi lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng (nếu có); biên bản niêm phong thu mẫu vật chứng và vật chứng kèm theo (nếu có); tài liệu khác có liên quan.

Nếu hồ sơ đủ điều kiện giám định hoặc hồ sơ cần bổ sung, cán bộ được phân công vào sổ theo dõi và báo cáo lãnh đạo đơn vị để thực hiện tiếp các bước tiếp theo của quy trình này.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Nếu hồ sơ không đủ điều kiện giám định, cán bộ được phân công báo cáo lãnh đạo đơn vị ban hành văn bản từ chối giám định trong trường hợp: Hồ sơ không đủ tính pháp lý; yêu cầu về hồ sơ của cơ quan giám định không được đáp ứng; nội dung trưng cầu hoặc yêu cầu giám định vượt quá khả năng về chuyên môn, cán bộ, phương tiện, thời gian; người được giám định khác với người trong hồ sơ giám định; người được giám định không hợp tác; không có người giám hộ trong trường hợp quy định bắt buộc; không đảm bảo về an ninh trong khi thi hành nhiệm vụ.

Nếu từ chối giám định, phải thực hiện các nội dung sau: Ban hành văn bản, nêu rõ lý do từ chối; làm thủ tục giao người được giám định theo quy định; trả hồ sơ cho cơ quan trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định theo quy định.

Về phân công cán bộ chuyên môn, theo Quy trình: Lãnh đạo đơn vị phân công giám định viên pháp y, người giúp việc cho giám định viên pháp y tiếp nhận giám định (ghi rõ họ tên, ngày tháng phân công).

Số lượng giám định viên và người giúp việc như sau: Giám định lần đầu: 2 giám định viên, 2 người giúp việc; Giám định lại: 3 giám định viên, 3 người giúp việc; Giám định lại lần thứ 2: 3 giám định viên theo danh sách trong quyết định thành lập Hội đồng giám định lại lần thứ 2 của Bộ trưởng Bộ Y tế và 3 người giúp việc.

Trường hợp hội chẩn: Các giám định viên và các chuyên gia. Tùy từng trường hợp giám định có thể mời chuyên gia nhưng không quá 7 người.

Cũng theo Quy trình, trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục yêu cầu giám định phải có nhân viên y tế là người cùng giới với trẻ được giám định tham gia giám định hoặc chứng kiến trong suốt quá trình thực hiện giám định. Trường hợp trẻ dưới 15 tuổi phải đề nghị đại diện gia đình hoặc người giám hộ chứng kiến.

Ngoài ra, giám định viên ghi lời trình bày của trẻ được giám định, quan sát hành vi, thái độ của trẻ khi nhắc đến bố, mẹ hoặc người thân. Giám định viên hỏi các câu hỏi dễ hiểu, tránh gây cho trẻ xúc động gợi lại ký ức bị hoặc hình ảnh bị xâm hại tình dục; không hỏi lặp đi lặp đi lặp lại một câu hỏi.

Nếu là trẻ em dưới 15 tuổi có thể hỏi thêm người giám hộ về tình hình sự việc.

P.V