leftcenterrightdel
Qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)

Khẩn trương giải quyết nhiều vụ án tham nhũng

Tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/11 tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, từ sau Phiên họp thứ 12 (tháng 7/2017) của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao; đưa vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử, với những mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật (1 án tử hình, 1 án chung thân). Qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra làm rõ vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), khởi tố thêm 9 bị can là cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo PVN, PVC, Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch về các tội danh: Tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng….

Theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, tham nhũng là tội phạm ẩn nên khó phát hiện và khi phát hiện, công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp của loại tội phạm này. Thực tế để làm tốt nhiệm vụ chống tội phạm, chống tham nhũng đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án; sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế quản lý và hiệu lực quản lý Nhà nước cùng với sự ủng hộ tham gia của nhân dân.

Chỉ ít ngày sau cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 8/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 522/C46 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46 đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, sau này là Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương) để làm rõ sự liên quan của ông Đinh La Thăng đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II. Cùng ngày, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định về việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Đinh La Thăng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết “Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV”.

Riêng đối với ngành Kiểm sát, trong năm 2017, ngành Kiểm sát đã tập trung chỉ đạo phối hợp xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án về tham nhũng. Ngành Kiểm sát đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng VKSND tối cao đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của VKSND thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng và tập trung thu hồi tiền, tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt; tăng cường chỉ đạo phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TANDTC tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhiều bị cáo về các hành vi tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả xét xử được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Xử lý hàng loạt vụ việc tiêu cực

Tại kỳ họp thứ 20, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra quyết định kỷ luật hoặc đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ. 
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đào Vũ Việt; đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Ngô Văn Tuấn.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ tháng 10/2010 đến 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ. Ông Đào Vũ Việt với cương vị Phó Giám đốc (từ tháng 10/2013 đến tháng 11/2015) và Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá (từ tháng 12/2015 đến nay) đã vi phạm quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa được yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc nêu trên; kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức, cán bộ trong toàn tỉnh.

Theo đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tháng 4/2017, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, việc xem xét một số vụ án cụ thể nói riêng, đã thu được kết quả tích cực, đạt tiến độ, yêu cầu đề ra, có những vụ việc vượt yêu cầu; nhân dân rất phấn khởi, hoan nghênh, đánh giá cao. 

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 bị xác định là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai) giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện...

Ông Đinh Văn Thu với cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và trước đó là Phó bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ông Thu cũng chưa gương mẫu khi ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai khi chưa được phê duyệt quy hoạch; để UBND tỉnh tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đối với con trai chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn.

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong thời gian là Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; đề nghị tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, chỉ đạo quy hoạch, đề nghị luân chuyển, bổ nhiệm đối với một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó có con cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015; ông Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; thi hành kỷ luật ông Phùng Quang Hùng, Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo với ông Phùng Quang Hùng; đề nghị Bộ Chính trị, Ban bí thư thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Phạm Văn Vọng theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, tỉnh Đắk Nông cũng đã bị xem xét thi hành kỷ luật về những hành vi sai phạm của mình.

Thanh Trà