37 “lâm tặc” rủ nhau đi phá rừng quy mô lớn

Thời gian qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) liên tục bị lâm tặc ồ ạt kéo vào để phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

leftcenterrightdel
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ 37 bị can phá rừng quy mô lớn ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. 

Đơn cử, ngày 14/11/2020, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nhận được tin báo tại khu vực dọc sông Ea Pích, gần trạm kiểm lâm số 5, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có xảy ra vụ khai thác gỗ trái pháp luật.

Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, vào khoảng cuối tháng 10/2020 Lê Mô Y Cum (còn gọi là Ma Khanh, SN 1984, trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) bàn bạc với nhiều đối tượng khác vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đắk Lắk) khai thác gỗ bán kiếm tiền tiêu xài.

Sau đó, cả nhóm thống nhất rủ thêm 20 người cùng trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cùng đi khai thác gỗ. Sau khi góp tiền chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ, cả nhóm cùng nhau vượt sông Krông Năng vào tiểu khu 618, 622 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cạnh hai bên bờ sông Ea Pích. Tại đây, các đối tượng khai thác 19 cây gỗ Căm xe, rồi tìm cách vận chuyển ra khỏi rừng đi bán với số tiền 80 triệu đồng để chia nhau tiêu xài.

leftcenterrightdel
Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) và VKSND cùng cấp tiến hành các thủ tục tố tụng và lệnh bắt các bị can.

Đến ngày 8/11/2020, nhóm Ma Khanh tiếp tục rủ nhau 30 người vào khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để khai thác gỗ. Trong đợt khai thác này, ngoài nhóm của Ma Khanh thì còn nhóm Trần Văn Tú (Hải), Hoàng Anh Sáng...cũng vào rừng khai thác 37 cây gỗ Căm xe trong 3 ngày rồi vận chuyển gỗ về bán với số tiền hơn 100 triệu đồng để chia nhau tiêu xài cá nhân.

Liên quan vụ phá rừng quy mô lớn này, ngày 28/4/2021, VKSND huyện Ea Kar đã phê chuẩn Quyết định khởi tố 37 bị can, trong đó có Ma Khanh (tất cả các bị can đều trú tại huyện Sông Hinh) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại Điều 232 BLHS. Trong đó, Lệnh bắt tạm giam 18 bị can, 19 bị can Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, từ cuối tháng 10/2020 đến ngày 14/11/2020, 37 đối tượng nói trên đã vào tiểu khu 618-622 Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cắt hạ hàng chục m3 chủ yếu gỗ Căm xe.

Cán bộ Kiểm lâm nhận tiền “hối lộ để lâm tặc” phá rừng

Quá trình mở rộng điều tra, ngày 22/7/2021, VKSND huyện Ea Kar đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam bị can đối với Hoàng Công Ý (SN 1974, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 3, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.

Đồng thời, VKSND huyện Ea Kar phê chuẩn Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Ma Khanh về tội “Đưa hối lộ”, quy định tại Điều 364 BLHS.

Tiếp đến ngày 13/10/2021 VKSND huyện Ea Kar tiếp tục phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Vương Thế Cao (SN 1981, Trạm phó Trạm số 5 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) và Hoàng Công Nhật (SN 1978, trú tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar) để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Trong đó, Nhật được áp dụng Lệnh cấm đi khởi nơi cư trú.

leftcenterrightdel
"Lâm tặc" đi cả đoàn ồ ạt kéo nhau vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để tiếp tục phá rừng.   

Kết quả điều tra cho thấy, trong hai ngày 15/9/2020 và 19/11/2020, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tại huyện Ea Kar ban hành 2 quyết định về việc phối hợp tuần tra truy quét các đối tượng xâm hại đến rừng tại các tiểu khu 623, 630 và vùng giáp ranh giữa khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Theo đó, Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phân công ông Hoàng Công Ý làm Tổ trưởng tổ truy quét. Tuy nhiên, trong 2 đợt truy quét ở tiểu khu 623, 630 và vùng giáp ranh giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với huyện Sông Hinh, Ý đã bàn bạc với Vương Thế Cao (Trạm phó Trạm số 5) để cho nhóm Ma Khanh (trú tại tỉnh Phú Yên) vào rừng thuộc Khu Bảo tồn khai thác gỗ thì Cao đồng ý. Sau đó, nhóm đối tượng hàng chục người đã vào rừng khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn, vận chuyển về trót lọt và bán gỗ hàng trăm triệu đồng để chia nhau tiêu xài.

Sau đó, Ý đã gọi điện nhờ em trai mình là Hoàng Công Nhật đi tới tỉnh Phú Yên gặp Ma Khanh 2 lần để nhận tổng số tiền 35 triệu đồng. Sau khi nhận được số tiền từ Ma Khanh, Nhật về đưa lại toàn bộ số tiền trên cho Ý và được Ý cho 2 triệu đồng. Sau đó, Ý đưa cho Vương Thế Cao 4 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Những ngày cuối tháng 8/2021 lực lượng chức năng lại tiếp tục phát hiện có hàng chục đối tượng trú tại tỉnh Gia Lai đã “đột nhập” vào Khu Bảo tồn để khai thác gỗ rừng trái phép.

Mặc dù, vụ việc phá rừng quy mô lớn xảy ra ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đang được cơ quan chức năng huyện Ea Kar điều tra xử lý và đã khởi tố hàng loạt các bị can. Thế nhưng, tình trạng phá rừng nơi đây vẫn diễn ra hết sức phức tạp, theo đó vào những ngày cuối tháng 8/2021 lực lượng chức năng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô lại tiếp tục phát hiện có hàng chục đối tượng trú tại tỉnh Gia Lai đã “đột nhập” vào Khu Bảo tồn để khai thác gỗ rừng trái phép. Đặc biệt, khi lực lượng chức năng phát hiện nhóm lâm tặc chống trả quyết liệt và gọi các đối tượng khác mang theo nhiều hung khí đến uy hiếp lực lượng chức năng để “giải cứu” lâm tặc cùng tang vật.

Được biết, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có gần 27.000ha rừng. Trong đó, có chiều dài hơn 32km giáp ranh với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) và huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên)./.

Nguyễn Quân