leftcenterrightdel
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn. 

Theo thông tin từ báo chí, năm 2016, ông Hiếu kê khai vào lý lịch bằng thạc sĩ ở trường Đại học Irvine University liên kết với trường Đại học Quốc gia. Tuy nhiên, năm 2012 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra, trong đó có nội dung chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa trường Đại học Quốc gia và trường Đại học Irvine University chưa được kiểm định, và sau đó trường Đại học Quốc gia đã dừng tuyển sinh. Thời điểm đó, báo chí đã có nhiều bài phản ánh và chỉ rõ trường Đại học Irvine University nằm trong danh sách đại học quốc tế “ma” ở Việt Nam. Như vậy, ông Hiếu chắc hẳn đã biết bằng thạc sĩ của trường Đại học Irvine University cấp không những không được công nhận mà còn nhiều vấn đề phức tạp, nhưng vẫn kê khai bằng thạc sĩ vào lý lịch của mình.

- Năm 2016, trong tờ khai lý lịch của ông Nguyễn Quang Hiếu để bầu cử các chức danh Chủ tịch, Đại biểu HĐND quận Hoàng Mai khóa III, nhiệm kỳ 2016-2021, ông Hiếu vẫn ghi rõ trong mục “Chuyên môn nghiệp vụ” là trình độ:“Thạc sỹ quản trị kinh doanh”. Theo luật sư, với việc kê khai bằng thạc sĩ chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận, có phải là một yếu tố giúp ông Hiếu trúng cử Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai?. 

Việc kê khai này chắc hẳn có động cơ cá nhân và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ông ấy thăng tiến. Kết quả là ông Hiếu đã được bầu vào HĐND và trở thành Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai khóa III. Thực tế hiện nay nhiều địa phương khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo vẫn lấy tiêu chí bằng cấp là yếu tố quan trọng để xem xét, tôi cho rằng ông Hiếu đã lợi dụng yếu tố này. 

- Thưa luật sư, như trên đã phân tích, ông Hiếu biết bằng cấp kê khai trong lý lịch của mình chưa được Bộ GD&ĐT công nhận khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và báo chí cũng đã phản ánh Đại học Irvine University là đại học quốc tế “ma”. Thế nhưng, ông Hiếu vẫn ghi bằng thạc sĩ đó vào lý lịch, như vậy có phải là cố tình không?.

 - Theo tôi, ông Hiếu đã cố tình kê khai là thạc sĩ quản trị kinh doanh để làm hồ sơ bổ nhiệm. Với người có cương vị cao như ông Hiếu, ông thừa biết rằng bằng này chưa được Bộ GD&ĐT công nhận, vậy động cơ, mục đích ông học để làm gì ?. Trước khi học ông phải tìm hiểu kỹ trường mình học, xem chất lượng học tập thế nào, được Bộ GD&ĐT công nhận chưa? Ông là quan chức nhà nước, học để phục vụ hệ thống chính trị của nhà nước, nhưng hệ thống chính trị của mình chưa công nhận bằng đó thì ông học để làm gì?. 

- Gần đây, ông Nguyễn Quang Hiếu đã chủ động làm đơn gửi đến Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội xin rút nội dung bằng thạc sỹ trong hồ sơ nhân sự mà ông tự kê khai. Luật sư nhận định thế nào về việc này?

- Tôi cho rằng, ông Hiếu nhận thấy bằng thạc sĩ này chưa được công nhận nên chủ động rút. Việc làm đơn xin rút nội dung tự kê khai bằng thạc sỹ trong lý lịch của hồ sơ nhân sự sau khi đã bổ nhiệm xong đã để lại tiền lệ xấu, nếu nhiều người cũng kê khai bằng cấp chưa được công nhận để được bổ nhiệm xong lại làm đơn xin rút thì sẽ gây hậu quả rất lớn, làm mất lòng tin của người dân với Đảng. Đồng thời công tác cán bộ bị biến dạng, đội ngũ cán bộ được lựa chọn sẽ kém về năng lực, phẩm chất. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ “mua quan, bán chức” đang diễn ra? Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ và xử lý sự việc sử dụng bằng của ông Nguyễn Quang Hiếu.

- Xin cảm ơn ông. 

 “ Một cán bộ không trung thực trong kê khai bằng cấp là điều không thể chấp nhận”

*Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) bày tỏ, là công dân sống ở Việt Nam thì phải tuân theo luật pháp nên những bằng cấp mà cán bộ khai trong hồ sơ nhưng không được Bộ GD&ĐT công nhận thì phải xem xét trên cơ sở là do lỗi vô ý hay cố ý. Những cán bộ sử dụng bằng cấp không được các cơ quan chức năng công nhận là do lỗi cố ý. Những thói háo danh, coi trọng bằng cấp, không coi trọng việc thực học mà chỉ sử dụng bằng cấp cho việc bổ nhiệm thì cần phải xử lý nghiêm. Với chức danh thuộc sự quản lý của hệ thống ngành, cơ quan Nhà nước thì Thanh tra Chính phủ, Bộ GD&ĐT phải vào cuộc thẩm tra lại. Trong đó, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước về văn bằng chứng chỉ, phải có trách nhiệm phối hợp cùng với các cơ quan kiểm tra của Đảng, Thanh tra của Nhà nước để góp phần làm rõ những trường hợp báo chí nêu trong việc sử dụng sai bằng cấp. Sau đó, các cơ quan chức năng phải có sự trả lời trước công luận về những trường hợp này. Bởi vì khai man lý lịch, dối trá bằng cấp là sự dối Đảng, lừa dân phải xử lý thật nghiêm”. 

Bình Minh (thực hiện)