Đối với một số dự án sử dụng đất, thông báo Kết luận thanh chỉ rõ, tại dự án xây dựng Khu công nghiệp Điềm Thụy- Khu A (phần diện tích 180 ha), việc UBND tỉnh Thái Nguyên có chủ trương cho phép Ban quản lý các khu công nghiệp (Ban QLCKCN) Thái Nguyên thu tiền thuê đất do nhà đầu tư thứ cấp ứng trước không đưa vào ngân sách nhà nước mà trực tiếp sử dụng thực hiện đầu tư xây dựng là không đúng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 và Điều 7 Luật Ngân sách năm 2002.

Tổng diện tích đất khu công nghiệp tăng thêm là 11,1 ha nhưng UBND tỉnh Thái Nguyên không xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan là vi phạm Khoản 4, Điều 5, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ.

Diện tích đất mở rộng ranh giới khu công nghiệp về phía Tây khoảng 2,5 ha đã được xây dựng hạ tầng, nhà xưởng và cho Nhà đầu tư thứ cấp thuê khi chưa được giao đất, cho thuê đất là vi phạm Khoản 1 Điều 35 Luật Đất đai năm 2003.

Tổng diện tích đất cây xanh sau khi điều chỉnh giảm còn 5,9%, không đạt tỉ lệ trên 10% vi phạm quy định tại mục 2.7, chương II, Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008 của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng.

Việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án và cho thuê đất đối với diện tích chưa được giao đất 38,4 ha là vi phạm Khoản 3 Điều 34 Luật Đất đai năm 2003.

Tại dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II thể hiện, việc UBND tỉnh Thái Nguyên chưa ban hành quyết định về thành lập khu công nghiệp Sông Công II là không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 8 và Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

leftcenterrightdel
 Khu công nghiệp Sông Công II, Thái Nguyên. (Ảnh minh hoạ)

Dự án chưa được UBND tỉnh Thái Nguyên giao đất, cho thuê đất nhưng Ban QLCKCN Thái Nguyên đã thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Sông Công II là vi phạm Khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai năm 2013. 

Đối với dự án cụm công nghiệp An Khánh số 1, huyện Đại Từ, tại ô đất ký hiệu TK-VL theo quy hoạch là khu tập kết vật liệu của Nhà máy nhiệt điện; Công ty thực hiện xây 3 toà nhà 3 tầng (1 toà đa năng và 2 toà nhà ở tập thể, nghỉ ca cho công nhân) không đúng quy hoạch được duyệt.

Hiện trạng dự án đã thực hiện Nhà máy nhiệt điện An Khánh trên diện tích 30 ha; các hạng mục, công trình khác có diện tích 10,72 ha chưa giải phóng mặt bằng. Dự án thực hiện chậm so với tiến độ được phê duyệt là 8 năm 5 tháng thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Khoản 1 Điều 41 và Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014.

Trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản đối với một số dự án, tại dự án đầu tư khai thác mỏ than Bá Sơn, xã Sơn Cẩm và Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Công ty chưa thực hiện làm thủ tục để ký hợp đồng thuê đất đối với tổng diện tích 55,9 ha đang được giao quản lý, sử dụng là vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Khoáng sản năm 2010.

Công ty kê khai nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường thiếu khối lượng than cám và đất làm gạch là 1.698,81 m³ với tổng sổ tiền còn phải nộp ngân sách là 71.525.283 đồng. Sản lượng khai thác là 28.936,88 tấn than nhưng chưa nộp tiền cấp quyền khai thác từ 1/1/2014 đến 30/6/2015 là 571.400.081 đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án. Cụ thể, tại dự án đường nối Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) - Khu công nghiệp Yên Bình (Đoạn từ nút giao Yên Bình đến km 1+631,8): Việc Sở GTVT đề nghị bổ sung đoạn tuyến L= 150m nhưng chưa lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh bổ sung là không đúng với quy định tại Khoản 2 Điều 14 và Điều 18 Nghị định 12/2009/NĐ-CP. Mặt khác, việc Sở KHĐT là cơ quan chủ trì thẩm định đã không có báo cáo thẩm định điều chỉnh bổ sung dự án là không phù hợp với Khoản 2 Điều 40 Luật Xây dựng 2003, Khoản 2 Điều 14 Nghị định 12/NĐ-CP.

Việc UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư khi không lập, thẩm định lại là không đúng Điều 40 Luật Xây dựng 2003; Điều 14 Nghị định 12/2009/NĐ-CP.

Việc UBND tỉnh chấp thuận phê duyệt bổ sung cống dọc khi chưa lập và thẩm định hồ sơ TKBVTC-DT đối với hạng mục cống dọc là không phù hợp với quy định.

Ngoài ra, đối với tiểu dự án bồi thường GPMB công trình đường trục nối ĐT261 đến khu vực đền Gàn, hồ Núi Cốc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho thấy, việc UBND tỉnh ứng trước ngân sách tỉnh để đầu tư trong khi chưa xác định nguồn vốn đầu tư là chưa phù hợp với Luật Ngân sách (Khoản 1, Điều 57 Luật Ngân sách 83/2015/QH13 “không quá 20% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện các công trình thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn.. đã được duyệt” Khoản 3 Điều 18 Luật Ngân sách 2015 quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.

Việc Thường trực HĐND có văn bản quyết định chủ trương đầu tư dự án là chưa đúng thẩm quyền. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh giao Sở GTVT là chủ đầu tư đã không lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật đầu tư xây dựng, không lập thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở là không tuân thủ Khoản 1 Điều 52; Khoản 1, 2 Điều 54; Điều 55 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Việc chưa cân đối được nguồn vốn bố trí cho dự án nhưng Thường trực HĐND và UBND tỉnh vẫn quyết định chủ trương và phê duyệt dự án là vi phạm quy định Khoản 2 Điều 97; Khoản 1 Điều 99 Luật Đầu tư Công “Cơ quan, tổ chức cá nhân.. quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả, không cân đối được vốn…”.

P.V