Gần 39  triệu USD nhập thiết bị Trung Quốc sai chủng loại

Một trong những sai phạm nghiêm trọng tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là nhiều loại thiết bị được nhập với trị giá hàng triệu USD nhưng sai chủng loại. Tổng giá trị các thiết bị này, theo hóa đơn nhập khẩu, là gần 39 triệu USD. Mặc dù vậy, TISCO đã không yêu cầu tái xuất, phạt vi phạm mà còn làm các thủ tục để tiếp nhận.

Theo tài liệu, hồ sơ do TISCO cung cấp và xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều loại thiết bị, máy móc do Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) cung cấp với giá trị lớn có sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, thông số kỹ thuật, trọng tải…

leftcenterrightdel
 Những chiếc ô tô có giá 1 triệu USD không đúng chủng lọai phê duyệt

KLTT nêu rõ, có 42 chiếc ôtô trị giá hơn 1 triệu USD được nhập về thì đều sai khác về chủng loại giữa hồ sơ TISCO xin đăng ký đăng kiểm với kết quả kiểm tra của Cục Đăng kiểm. Theo quy định, 42 ôtô này không được phép tham gia giao thông đường bộ. Và TISCO đã phải "lách" bằng cách gửi văn bản xin Cục Đăng kiểm cho những chiếc xe này "chỉ chạy trong phạm vi hẹp" phục vụ sản xuất trong dây chuyền công nghệ nội bộ của công ty và không tham gia giao thông.

leftcenterrightdel
Đầu máy được nhập nhưng không đủ tiêu chuẩn hoạt động tại Việt Nam 

Có 5 đầu máy toa xe trị giá hơn 5 triệu USD cũng được nhập về bị sai khác về thông số, tải trọng. Cục Đăng kiểm đã thông báo với TISCO việc có 2 đầu máy không được phép hoạt động trên mạng đường sắt quốc gia. TISCO tiếp tục đề nghị cho 2 đầu máy được hoạt động trong phạm vi nội bộ.

Còn có các máy móc, thiết bị đã nhập khẩu với tổng giá trị 31,5 triệu USD có sai khác về mã hiệu, thông số kỹ thuật…

Hợp đồng thầu phụ bất lợi

Theo KLTT, ngày 12-7-2007, đại diện TISCO là ông Trần Trọng Mừng (TGĐ) đã cùng với bên nhận thầu là Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) do ông Shen He Ting (TGĐ), đại diện ký kết hợp đồng EPC. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy tổ chuyên gia đã không lập, trình và TISCO không phê duyệt kế hoạch, nội dung thương thảo theo quy định. Sau khi ký hợp đồng EPC, lãnh đạo của TISCO là ông Trần Trọng Mừng và ông Trần Văn Khâm còn ký với nhà thầu Trung Quốc hợp đồng phụ cùng 10 phụ lục. Điều đáng nói, những hợp đồng phụ này đã điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC, gây bất lợi cho TISCO và ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, chi phí của dự án.

Theo KLTT, ngày 14-5-2009, thứ trưởng Bộ Công thương ký văn bản gửi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và TISCO, trong đó có nội dung: "VINAINCON là doanh nghiệp thuộc Bộ có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình công nghiệp… Bộ Công thương đề nghị VNS, TISCO xem xét, chấp nhận để VINAINCON được đảm nhận toàn bộ phần công việc xây lắp gói thầu EPC…"

Bốn tháng sau, TISCO và MCC, nhà thầu phụ VINAINCON ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C với giá tạm tính hơn 764 tỉ đồng, thời gian thực hiện 21 tháng.Tuy nhiên, VINAINCON đã không thực hiện cam kết theo hợp đồng mà ký 40 hợp đồng giao việc và khoán cho 29 nhà thầu khác với giá 505 tỉ. Và trên thực tế, tiến độ thi công tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên bị làm rất chậm hoặc nhiều hạng mục không được thi công. TISCO đã gửi văn bản cho VINAINCON cho rằng thực trạng thi công này là "không thể chấp nhận được".

leftcenterrightdel
Hiện trạng của Dự án 

TTCP kết luận: TISCO đã cùng MCC ký hợp đồng thầu phụ giao cho VINAINCON, các nhà thầu phụ khác thực hiện phần C và thanh toán giá trị theo giá điều chỉnh là hành vi cố ý làm trái quy định pháp luật về đầu tư, không đúng nội dung hợp đồng EPC. Đơn vị này còn sử dụng số liệu tổng hợp do VINAINCON lập chi phí phát sinh phần C hơn 15 triệu USD không có cơ sở nhưng vẫn trình các bộ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn VNS và Bộ Công thương thì không thẩm tra nhưng vẫn trình Thủ tướng và các bộ phê duyệt chi phí phát sinh này.

TTCP đánh giá việc ký các phụ lục hợp đồng đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về đầu tư, nội dung hợp đồng EPC 01. Đây là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư. Thực tế , VINACINCON và các nhà thầu phụ Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi lắp đặt thiết bị công nghệ mà MCC thiết kế, chế tạo.

Vi phạm của lãnh đạo Bộ Công thương và TISCO

Cũng theo KLTT, Bộ Công thương có văn bản giới thiệu và đề nghị VNS, TISCO giao VINAINCON là nhà thầu phụ và có ý kiến theo đề nghị TISCO ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác theo hình thức hợp đồng đơn giá là không đúng thẩm quyền được giao, vi phạm quy định pháp luật về đầu tư. Bộ này còn có văn bản đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và văn bản báo cáo, trong đó có ý kiến việc điều chỉnh tăng lên 8.100 tỉ đồng đã được rà soát, thẩm tra là không đúng với hợp đồng EPC và quy định pháp luật về đầu tư. TTCP xác định trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về lãnh đạo Bộ Công thương, phó tổng giám đốc VNS, tổng giám đốc và các cán bộ có liên quan thuộc TISCO, VINAINCON…

Trách nhiệm chính về những khuyết điểm, sai phạm thuộc TISCO, cụ thể:Thành lập Ban Quản lý Dự án (QLDA) không đủ năng lực; phê duyệt và điều chỉnh TKCS không đúng thẩm quyền; lựa chọn tư vấn lập Báo cáo NCKT không đúng quy định; trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo NCKT và thẩm định, quyết định phê duyệt điều chỉnh cơ cấu TMĐT, KHĐT nhưng không thẩm định những nội dung thay đổi, không làm rõ các nội dung điều chỉnh; bổ sung một số chi phí không có trong quyết định của VNS; không xác định chi tiết các nội dung chi phí cho công tác chạy thử. Tính chi phí quản lý dự án vượt so với quy định nhưng không làm các thủ tục điều chỉnh, bổ sung chi phí quản lý Dự án.

leftcenterrightdel
 Nhiều vi phạm có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của nhà nước

Bên cạnh đó, TISCO còn lập, trình xin phê duyệt KHĐT không đúng quy định;  Phê duyệt Hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu EPC số 01 không đúng; Hồ sơ mời sơ tuyển không yêu cầu nhà thầu nộp bảo lãnh dự thầu.

Cũng trong KLTT, TISCO lập, trình xin phê duyệt Hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 không đúng quy định, trình xin phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC số 01 từ 143.250.000 USD lên 160.980.640 USD không đúng. Đánh giá Hồ sơ dự thầu giai đoạn 2, trình xin hủy đấu thầu không đúng quy địn,  không trình và phê duyệt danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật.

Đặc biệt, TISCO ký Hợp đồng EPC với MCC có một số nội dung không chặt chẽ: không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện hợp đồng, quy trình mua sắm thiết bị, tiến độ tổng thể; không phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ tiến độ tổng thể của Dự án. Sau 18 tháng kể từ ngày Hợp đồng có hiệu lực, MCC không thực hiện nhưng TISCO không áp dụng điều khoản phạt hợp đồng đã ký với MCC, không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định khi MCC đề nghị điều chỉnh hợp đồng đưa ra nhiều hạng mục không hợp lý, không có căn cứ . Không lập dự toán mà sử dụng số liệu của VINAINCON trình VNS, các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi phí phát sinh Phần C 15.570.099 USD không có căn cứ.

Sai phạm của TISCO còn thể hiện trong thỏa thuận gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và hiệu lực thanh toán L/C; ký Biên bản thỏa thuận tách Phần C, chuyển một số nội dung phần việc của Phần P sang Phần C với giá trị (theo báo cáo ban đầu của TISCO là trên 50 tỷ đồng).  Mặc dù, ý kiến của các bộ, ngành cho rằng không có cơ sở điều chỉnh TMĐT nhưng TISCO vẫn ký quyết định điều chỉnh TMĐT là cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.

Những vi phạm trên của TISCO có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư.

 

Hà Nhân