Gần đây, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã chỉ ra nhiều biểu hiện khi sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, có xu hướng lai căng, “lạm phát” sử dụng các yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, sự  “sáng tạo” một cách vô nguyên tắc tạo ra xu hướng quái dị, kỳ quặc trong việc sử dụng ngôn ngữ, thậm chí còn đi ngược lại với đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, thể hiện sự sa sút về nhân cách. Không những là các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X còn nông nổi, bồng bột, thích cái mới lạ, khác người, thích “cá tính” mà còn cả một số phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự hỗn loạn, “ô nhiễm” trong đời sống ngôn ngữ. 

 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Nguồn: Internet


Chẳng hạn như, trong giao tiếp hiện nay, thay vì nói “đồng ý” thì có nhiều người lại dùng từ OK. Thậm chí việc sử dụng tiếng Anh thuần nhất trong giao tiếp cũng khiến cho nhiều người dân lắc đầu ngao ngán. Chẳng hạn thay vì nhắn tin là Good night (Chúc buổi tối vui vẻ) thì giới trẻ Việt giờ đây chỉ nhắn là g9.
 
Từ g9 được giới trẻ hiểu ngầm là Good night. Nhưng nếu phân tích thì nó lại là một từ viết tắt không chính xác và khá... khôi hài. Bởi g thì có thể là good nhưng 9 thì không phải là night (bởi 9 là nine).
 
Chỉ bằng một ví dụ như vậy chúng ta đã thấy được việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay khá tùy tiện, tạp nham, cẩu thả. Nhiều người cho rằng, ngôn ngữ giới trẻ  không tác động lớn đến đời sống và sự học hành của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại và nó ảnh hưởng khá nghiêm trọng. 
 
Chẳng hạn, một học sinh đạt giải về tin học đã trả lời email một phóng viên như sau: “>. Nhìn dòng chữ này, Phóng viên chỉ biết lắc đầu, không thể hiểu nổi nghĩa của những ký tự bí ẩn này. Nhưng câu giải mã “bí ẩn” này lại là: “Xin lỗi, mấy hôm nay em bận thi quá không có thời gian trả lời email”.
 
Năm 2013, cộng đồng mạng truyền tay nhau một bức hình chụp lại đề thi học kỳ môn Ngữ văn lớp 9 được cho là của một trường trung học phổ thông ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nội dung đề thi là: “Câu 2: Có bạn trẻ nhắn tin cho mẹ như sau: "M0ther ui, hum n4i kon hk zia, k0n f4i 0 l4i h0k th3m” (Mẹ ơi, hôm nay con không về, con phải ở lại học thêm). Mẹ bạn ấy than vãn: “Đọc tin của con như đọc mật thư, không hiểu được tin nhắn của con”. Bạn trẻ trong tình huống trên đã dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ của giới trẻ với mẹ. 
 
Cũng vì hiện tượng này nên Dương Đăng Trúc Khuyên, một nữ sinh của Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP. HCM) đã viết nên phần mềm dịch ngôn ngữ @, đặt tên là V2V (Việt sang Việt). Thế nhưng, phần mềm V2V vẫn không theo kịp tốc độ biến dạng của ngôn ngữ giới trẻ. Bởi càng về sau, giới trẻ càng có nhiều cách dùng quái đản. V2V phiên bản đầu không thể dịch chính xác được, buộc tác giả phải tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp lên phiên bản… 1.3, đến nay đã là 1.4.
 
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP. HCM, cho rằng giới trẻ hiện nay thích sử dụng ngôn ngữ “chat” trong giao tiếp và hành văn là do tâm lý muốn mình phải khác người. Nhưng theo người viết, có rất nhiều cách để có thể khác người như: sự cố gắng rèn luyện trong học tập và lao động. Như vậy, đâu cần phải nói ngôn ngữ tuổi giới trẻ là có thể khác người và để giành lấy cái vị nể của thói đua đòi theo kiểu “công tử Bạc Liêu”.
 
Như vậy, liệu có mất gốc? Câu hỏi đó chắc chắn sẽ ám ảnh nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam có tâm huyết trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh ngôn ngữ lai căng đang bủa vây đời sống xã hội.

Nguyễn Văn Toàn